Giảm 5% số lượng cấp ủy
Sáng 12/11, thông tin về kết quả đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020- 2025 tại Hội nghị báo cáo viên tháng 11 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, ông Nguyễn Quang Dương, Phó ban Tổ chức T.Ư cho biết: Công tác chuẩn bị nhân sự kỳ này, được các cấp ủy đặc biệt coi trọng, chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định hướng dẫn của T.Ư và cấp trên.
Theo ông Dương, công tác nhân sự cấp ủy lần này có điểm mới là thực hiện theo quy trình 5 bước, trong đó chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự tham gia lần đầu sau. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của cấp cơ sở và cấp ủy tỉnh đều thực hiện giảm 5% so với nhiệm kỳ trước. “Điều này phù hợp với thực tế chúng ta thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy, giảm đầu mối và tinh giản biên chế”, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư thông tin.
Về số liệu cụ thể, ông Dương thông tin, cấp ủy cơ sở bầu được trên 298.000 người, giảm trên 42.000 người (giảm 12,5%); cấp trên trực tiếp cơ sở bầu được trên 38.500 người, giảm trên 5.000 (giảm 11,6%); cấp trực thuộc T.Ư bầu trên 3.300 người, giảm 219 người (giảm 6,2%). Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ ở cấp cơ sở đạt 21% (tăng 2%), cấp trên trực tiếp cơ sở đạt 17% (tăng 2%), cấp trực thuộc T.Ư đạt 16% (tăng 3%). Tuy nhiên, tỉ lệ cấp ủy viên trẻ, ở một số đảng bộ giảm so với nhiệm kỳ trước.Về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, theo ông Dương, ở cấp cơ sở, cấp ủy có trình độ trên đại học đạt 16% (tăng 5%); cấp trên trực tiếp cơ sở có trình độ trên đại học 37% (tăng 17%); cấp trực thuộc T.Ư đạt 67% (tăng 23%) so với nhiệm kỳ trước.
Đặc biệt, theo ông Dương, việc bầu cử bí thư, phó bí thư cấp ủy, thực hiện theo đúng quy định T.Ư, đặc biệt đúng phương án nhân sự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ở cấp trực thuộc T.Ư, tất cả các trường hợp được giới thiệu bầu làm cán bộ chủ chốt như bí thư, phó bí thư cấp ủy, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, đều trúng cử, nhiều trường hợp trúng cử rất cao, đạt 100%.
“Đây là điều rất vui mừng của nhiệm kỳ này. Tất cả đồng chí được giới thiệu bầu làm cán bộ chủ chốt đều được đại hội tín nhiệm và tín nhiệm cao”, ông Dương nhấn mạnh.
Khắc phục tình trạng cục bộ, “vận động không trong sáng”
Về kết quả ở các đảng bộ trực thuộc T.Ư, Phó Trương Ban Tổ chức T.Ư nói “có nhiều số liệu ấn tượng”. Cụ thể, số bí thư cấp ủy là nữ có 9 người, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước; 27 bí thư không là người địa phương, tăng 11 người (tăng 68%) so với nhiệm kỳ trước; ở cấp huyện có 464 người, chiếm 65%, tăng 38% so với nhiệm kỳ trước. Các bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đều đạt tín nhiệm rất cao tại đại hội các cấp tại kỳ này.
Ngoài ra, có 51 bí thư có trình độ thạc sĩ trở lên, tăng 9 trường hợp, bằng 21% so với nhiệm kỳ trước; có 28 bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư từ 50 tuổi trở xuống, tăng 15 người (tăng 115%) so với nhiệm kỳ trước. “Đây là điều rất là mừng”, ông Dương nhấn mạnh.
Về bầu trực tiếp bí thư tại đại hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, số lượng đơn vị được lựa chọn bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Cấp cơ sở là trên 1.600 cấp ủy và 122 đảng bộ cấp huyện tăng 11%. Có một số địa phương có 100% đơn vị cấp huyện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội như Quảng Ninh, Yên Bái.
Nói thêm về tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy, theo ông Dương, kỳ này, T.Ư có quy định cụ thể bằng Quyết định 89 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý các cấp. Bộ Chính trị có Quy định 214 về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện T.Ư quản lý và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức T.Ư và các Ban Đảng T.Ư hướng dẫn...
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đã cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy viên theo phân cấp quản lý. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tiến hành công tác nhân sự; đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch công bằng và nâng cao chất lượng.
Trong quy trình nhân sự, ngay trong Chỉ thị 35 kỳ này quy định quy trình nhân sự thực hiện 5 bước. Đây là điểm rất mới, vì trước đây chưa bao giờ quy định, quy trình nhân sự cấp ủy được đề cập ngay trong Chỉ thị. Điều này tạo khách quan minh bạch, rõ ràng trong đánh giá, giới thiệu nhân sự. Những biểu hiện tranh thủ phiếu bầu, cơ bản được kiềm chế, khắc phục.
“Quy định này, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, và là cơ sở để các cấp rà soát, sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng cán bộ. Điều này vừa mở rộng dân chủ, công khai minh bạch, khách quan vẫn đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy, khắc phục được tình trạng cục bộ, áp đặt, lợi ích nhóm và vận động không trong sáng”, ông Dương cho hay.
Thống nhất độ tuổi tái cử ở Trung ương và địa phương
Một điểm mới nữa cũng được ông Dương nêu ra là việc thống nhất độ tuổi tái cử Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư công tác ở T.Ư và địa phương. Qua đánh giá việc thực hiện quy định này, trước hết là nhằm phục vụ yêu cầu công tác chứ không phải vì độ tuổi. Do đó, với một độ tuổi tái cử, nhân sự vẫn có thể bố trí công tác ở T.Ư hay công tác ở địa phương. Chứ không phải vì không đủ tuổi công tác ở địa phương mà rút về T.Ư.
Theo ông Dương, thực hiện điểm này là phù hợp với thực tế, đảm bảo sự công bằng về độ tuổi tái cử của các Uỷ viên T.Ư, ở cả T.Ư và địa phương. Điều này qua thực hiện cho thấy, phân công, bố trí, sắp xếp nhân sự ủy viên T.Ư thuận lợi, linh hoạt hơn và nhận được sự đồng tình cao, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”, ông Dương nhấn mạnh.
Về hạn chế, ông Dương cho biết, trong công tác nhân sự có nơi vẫn còn biểu hiện cục bộ địa phương, bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Cá biệt có trường hợp được giới thiệu bầu bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ, ủy viên ban chấp của cấp huyện, xã song chưa trúng cử.