Tất bật cho đường hoa Tết

TP - Đường hoa Tết Bính Thân 2016 ở TPHCM chính thức khai mạc. Trên phố đi bộ Nguyễn Huệ những ngày này, các nghệ nhân gấp rút các công đoạn cuối cùng để tạo nên đường hoa Tết đẹp và ý nghĩa.
Những tiểu cảnh đang được gấp rút hoàn thành để đưa ra đường hoa. Ảnh: Ngô Bình.

Hai gia đình khỉ khổng lồ

Đường hoa Tết năm nay sẽ dời về đường Nguyễn Huệ sau một năm tạm chuyển qua đường Hàm Nghi. Năm nay, đường hoa kéo dài 720m từ phố Lê Thánh Tôn đến đầu đường Tôn Đức Thắng với hơn 1.200 chậu hoa các loại được nhập về từ nhiều tỉnh thành. Cùng với đó hình ảnh những chú khỉ ngộ nghĩnh, đủ màu sắc… đòi hỏi sự công phu của những người chế tác.

Những ngày này, tại quận 7, TPHCM, các nghệ nhân đang tất bật để hoàn tất 9 chú khỉ khổng lồ của hai gia đình khỉ có chiều cao 1-2m. Hai gia đình khỉ sẽ án ngữ hai bên đường hoa tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, chính giữa là đại cảnh Hoa Kết Đoàn. Vì vậy, các nghệ nhân chế tác linh vật và các tiểu cảnh, đại cảnh đường hoa phải gồng mình ngày đêm để sáng tạo ra những hình ảnh đẹp mắt nhất.

Nghệ nhân Nguyễn Minh Phương (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết, đây là lần thứ 2 biểu tượng chú khỉ ngộ nghĩnh hiện diện trên đường hoa Nguyễn Huệ. Khác với những năm trước, linh vật được đặt ở vị trí trung tâm thì đường hoa năm 2016, linh vật được chia ra hai bên đường. Yêu cầu đặt ra cho ông và các nghệ nhân trong nhóm là linh vật phải thể hiện sống động, vui tươi, vật liệu chế tác phải thân thiện với môi trường và đặc trưng của Việt Nam. “Khó nhất là làm thế nào để thể hiện được thần thái, sự sum vầy và vui vẻ của những chú khỉ. Hơn nữa, vật liệu cũng phải khác với những năm trước để tạo nên sự thân thiện”, ông Phương nói.

Theo nghệ nhân Phương, để tạo ra được một chú khỉ ngộ nghĩnh, một gia đình khỉ đoàn tụ, sum vầy, công đoạn chiếm nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất là tạo lông cho linh vật. “Lông khỉ lần này được chọn là xơ dừa vừa đẹp lại thân thiện với môi trường”, nghệ nhân Phương nói.

Các nghệ nhân cấy lông cho khỉ. Ảnh: Ngô Bình.

Hoành tráng và thân thiện

Tại xưởng chế tạo hoa cảnh thuộc khu Du lịch Văn Thánh TPHCM, các công nhân đang làm những công đoạn cuối trong việc chế tác những vật dụng cho những tiểu cảnh của đường hoa Nguyễn Huệ. Anh Nguyễn Văn Vĩnh - Công nhân bộ phận chăm sóc cây cảnh khu Văn Thánh đang loay hoay đan những chiếc giỏ bằng xơ dừa. Anh Vĩnh cho biết, sẽ đan khoảng 100 cái để đựng hoa lan Vạn Thảo.

Anh Lương Dương Đức - Một công nhân lâu năm tại khu Văn Thánh cho biết, năm nay là năm khỉ nên đội ngũ nghệ nhân tại Văn Thánh đã làm khá nhiều linh vật về khỉ như đàn khỉ quây quần, khỉ đang vui chơi hay trầm tư. Điều khá đặc biệt là những linh vật đều được làm bằng chất liệu đơn giản như xơ dừa hay thanh tre. “Đây là những chất liệu dễ kiếm lại thân thiện với môi trường. Tuy chỉ là chất liệu đơn giản nhưng qua tay nghệ nhân, chúng vẫn được thổi hồn vào lung linh, rất chân thật”, anh Đức nói.

Để hoàn thành công việc đúng thời hạn, hơn 20 nghệ nhân tại khu du lịch Văn Thánh mà đa số đều là những người đã gắn bó nhiều năm với công việc chế tác tiểu cảnh cho đường hoa Nguyễn Huệ phải làm việc ngày đêm.

Còn tại Khu du lịch Bình Quới, quận Bình Thạnh, những công nhân cũng đang hối hả hoàn tất các công đoạn cuối cùng để đưa hiện vật ra đường hoa lắp ráp. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hùng Việt - Tổng Giám đốc Saigontourist, Trưởng Ban tổ chức đường hoa Tết Bính Thân cho biết: “Đường hoa năm nay sẽ mở cửa thêm 1 ngày, tức tới ngày mùng 5 Tết thay vì mùng 4 như các năm trước”, ông Việt nói.

131 hội chợ hoa Tết

Năm nay, TPHCM sẽ có 131 chợ hoa Tết phục vụ người dân vui chơi và mua sắm. Ba chợ hoa quy mô lớn được tổ chức tại các công viên 23/9, Lê Văn Tám và Gia Định. Ngoài ra còn có 128 hội chợ hoa Tết tại các quận huyện, thời gian tổ chức diễn ra đồng loạt từ ngày 1/2 đến ngày 7/2 (tức từ ngày 23 đến ngày 29 tháng Chạp năm 2015). Trong đó có một số chợ hoa đặc sắc như chợ hoa Trên bến dưới thuyền dọc bờ kè Bến Bình Đông, chợ hoa Tết tại chợ đầu mối Bình Điền, hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng tại khu vực Hồ Bán Nguyệt, quận 7…