Tập trung giải quyết bạo lực học đường, xâm hại trẻ em

TPO - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tập trung giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội như ách tắc, vi phạm giao thông, nhất là việc sử dụng ma túy, rượu bia khi tham gia giao thông, cũng như tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và buôn bán ma túy khối lượng lớn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tập trung giải quyết tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em

Ngày 17/5, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 34, diễn ra từ ngày 8 – 10/5 vừa qua. Về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ nhấn mạnh, đây là dự án lớn, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bộ luật được sửa đổi toàn diện, với nhiều vấn đề mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra sơ bộ, tán thành với các đề xuất của Chính phủ về nội dung lớn trong việc sửa đổi Bộ Luật Lao động.

Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo cần tổ chức đánh giá toàn diện, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tiếp tục đánh giá sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và dự kiến sẽ phê chuẩn trong thời gian tới; rà soát kỹ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, chú trọng lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, nếu hồ sơ dự án được Chính phủ hoàn thiện.

Liên quan đến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2019, theo báo cáo của Chính phủ, đã có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tăng thêm 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng đạt 7,08%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến...

Đánh giá cao sự chỉ đạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh thêm về việc cần chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, phát triển các thị trường yếu tố sản xuất và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong phạm vi kế hoạch.

Đồng thời tiếp tục xử lý tốt các khoản nợ xấu, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong tiếp cận tín dụng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng đến vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động; tập trung giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội như ách tắc, vi phạm giao thông, nhất là việc sử dụng ma túy, rượu bia khi tham gia giao thông, cũng như tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và buôn bán ma túy khối lượng lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo cần cân đối hơn giữa phần kinh tế và xã hội, giữa ưu điểm và hạn chế, chỉ rõ được các giải pháp cụ thể. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận chủ yếu vào những nội dung của năm 2019; nhất là đánh giá các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2019.

Đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đã có trong kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Thống nhất thu hồi 3.853,29 tỷ đồng của 2 bộ (Y tế, Xây dựng) và 5 địa phương (Yên Bái, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Khánh Hòa) do giãn tiến độ thực hiện, không thể giải ngân hết trong giai đoạn, tiết kiệm trong quá trình thực hiện và đưa vào dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời nhất trí phân bổ 19.819,5 tỷ đồng (bao gồm 15.966,21 tỷ đồng dự phòng chung vốn nước ngoài còn lại và 3.853,29 tỷ đồng thu hồi của 2 bộ và 5 địa phương) cho các dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.