Tăng mức phạt nặng, liệu có tiêu cực?

TP - Ngoài Hà Nội và TPHCM, từ tháng 10 có thêm 3 TP là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ áp dụng tăng mức xử phạt. Việc nâng mức phạt cao có dẫn đến tiêu cực trong CSGT hoặc người vi phạm khi muốn “giải quyết cho nhanh”? - Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý TNGT Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công An) khẳng định người dân sẽ giám sát hoạt động của CSGT.
Thượng tá Trần Sơn .

Trao đổi với Tiền Phong chiều 2-10, ông Sơn cho biết, theo Nghị định 71 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông vừa được Chính phủ ban hành thì từ 10-11 tới sẽ có 5 TP trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được áp dụng tăng mức phạt nặng.

Ngoài việc nhân rộng như trên, Nghị định sửa đổi sẽ tăng các mức xử phạt như thế nào thưa ông?

Có thể nói rằng, từ năm 2000 đến nay Chính phủ đã 5 lần ban hành, sửa đổi các NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

NĐ 34 với một số hành vi, lỗi dẫn đến ùn tắc, TNGT... mức xử phạt không đủ sức răn đe. Do vậy, Chính phủ đã ban hành NĐ 71 để bổ sung, sửa đổi một số điều xử phạt của NĐ 34.

NĐ đã bổ sung tạm giữ phương tiện đối với 10 nhóm hành vi và tước GPLX có thời hạn đối với 17 nhóm hành vi; đặc biệt so với NĐ 34, NĐ 71 đã tăng mức phạt tiền từ 1,5 đến 2,5 lần của 44 nhóm hành vi, ví như trước đây với hành vi uống rượu bia khi lái ô tô, lái xe bị phạt cao nhất 6 triệu đồng, thì tới đây theo NĐ 71, sẽ bị phạt 15 triệu đồng, lỗi chạy xe quá tốc độ 5 km - 10 km/h gấp đôi lên 600.000- 800.000 đồng, cùng đó chủ phương tiện bị tước GPLX từ 30 đến 60 ngày.

Từ 10-11, có 44 nhóm hành vi tại 5 TP lớn mức xử phạt tăng đến 2,5 lần so với NĐ 34 hiện nay. Ảnh: Trọng Đảng.

Để hạn chế ùn tắc và TNGT mức xử phạt này có đủ sức răn đe hay cơ quan chức năng còn phải bổ sung biện pháp gì?

Qua thực tế thực hiện NĐ 34 chúng tôi thấy một số hành vi, đặc biệt là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc, TNGT với mức phạt tiền như vậy người vi phạm mà có điều kiện họ sẵn sàng bỏ tiền ra nộp. Điều này làm cho tính răn đe, giáo dục của pháp luật chưa đạt yêu cầu.

Do vậy NĐ 71 ban hành đã nâng cao mức xử phạt cùng với đó là bổ sung thêm các chế tài như tạm giữ phương tiện, tước GPLX nhiều ngày được xem là những biện pháp mạnh nhất hiện nay.

Việc nâng cao mức xử phạt có thể cũng dẫn đến những tiêu cực trong CSGT hoặc từ người vi phạm muốn “giải quyết” tại chỗ cho nhanh, Bộ Công an và Cục có biện pháp gì để chấn chỉnh?

Những băn khoăn trên thời gian qua người dân và dư luận cũng đặt ra nhiều. Nhưng, trước hết xử phạt vi phạm hành chính là để răn đe, giáo dục, chứ không phải mục đích thu tiền.

Riêng với CSGT lực lượng luôn làm việc ở ngoài trời, hoạt động công khai. Nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng sẽ giám sát. Do vậy khi tham gia giao thông, nếu phát hiện có những biểu hiện sai quy trình hay vi phạm của CSGT mọi người có thể báo trực tiếp về đường dây nóng của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (số: 069 42608) hoặc lực lượng Cảnh sát 113 ở các tỉnh thành.

Các trường hợp vi phạm quy định công tác sẽ xử lý nghiêm khắc. Về phía Bộ Công an và Cục, chúng tôi có các kế hoạch kiểm tra phát hiện, nắm bắt những biểu hiện sai quy trình của lực lượng để có những chấn chỉnh kịp thời.

Để triển khai tiếp NĐ 34 và những nội dung sửa đổi, đặc biệt là với 3 TP lần đầu tiên áp dụng, Cục có những phương án nào. Ngoài CSGT thì những lực lượng nào được xuống đường xử phạt?

Nghị định bổ sung còn hơn một tháng nữa triển khai. Với 3 TP mới (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) do lần đầu áp dụng NĐ 34 nên những ngày tới Bộ Công an, Tổng cục cảnh sát, Cục CSGT Đường bộ, đường sắt sẽ có văn bản hướng dẫn. Cùng đó, Cục sẽ phối hợp với công an các TP này tổ chức các lớp tập huấn như đã làm với Hà Nội và TPHCM trước đây.

Về lực lượng làm nhiệm vụ tại 5 TP từ 10-11 ngoài CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh và Thanh tra giao thông sẽ tham gia xử lý vi phạm và đảm bảo giao thông.

Tuy nhiên khác với CSGT, các lực lượng này sẽ làm theo từng chuyên đề, nội dung cụ thể như Cảnh sát trật tự xử lý làm công tác trật tự trên, an ninh trên đường, Thanh tra giao thông xử lý dừng đỗ... Thực tế triển khai công tác này tại hai TP là Hà Nội, TPHCM vừa qua khi các lực lượng này phối hợp rất hiệu quả.

Cảm ơn ông.

Trọng Đảng
Thực hiện

Theo Báo giấy