PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện này tiếp nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, 9 ca tử vong. Như vậy, so với thông tin từ tuần trước, số ca tử vong tăng 2 trường hợp.
Chỉ 3 tuần qua, bệnh viện đã có gần 2.900 trẻ mắc Adenovirus đến khám và điều trị, chủ yếu từ 1-3 tuổi, trong đó có 2.344 ca tại Hà Nội, chiếm khoảng 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên mỗi địa phương cũng có hơn 100 ca.
Sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận khoảng 300 ca mắc Adenovirus đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch, trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim, phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ôxy. PGS Điển cho biết, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc Adenovirus so với các năm trước mà tỉ lệ số ca nhập viện cũng cao, chiếm trên 50% số ca phát hiện nhiễm bệnh.
Trong 9 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương liên quan đến Adenovirus có 4 ca mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, ung thư, viêm não, suy đa tạng… Sáng 3/10, tại bệnh viện này thêm một ca tử vong là bệnh nhi 13 tháng tuổi có tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền.
Tương tự, tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), từ 24-30/9 ghi nhận 13 ca bệnh mắc Adenovirus. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đến nay có 84 ca.
Dù số ca mắc đang gia tăng tại các bệnh viện, nhưng theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện chưa phát hiện ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng. Tại cuộc họp, vấn đề chỉ định xét nghiệm được nhiều chuyên gia nêu ý kiến và thống nhất quan điểm, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, gây lãng phí. Việc xét nghiệm phải theo chỉ định của bác sĩ, chứ không phải theo nhu cầu của người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị. Chiều cùng ngày, Hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus ở trẻ em họp tiến tới ban hành hướng dẫn này trong ngày 4/10.