Tận mắt xem lễ cưới truyền thống của người Ba Na ngay tại Hà Nội
TPO - Lễ cưới truyền thống được người dân tộc Ba Na (tỉnh Gia Lai) tái hiện lại chân thực trong ngày hội sắc xuân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Ba Vì, Hà Nội)
Phong tục cưới của người Ba Na (tỉnh Gia Lai) còn nhiều nét nguyên sơ và mang đậm tính nhân văn. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, người Ba Na vẫn tồn tại chế độ một vợ, một chồng bền vững.
Trong lễ cưới bắt buộc phải có một người mai mối, người này sẽ kiểm tra mối quan hệ của đôi trai gái có họ hàng hay không, đã đủ tuổi chưa, rồi rủ thêm người trong làng cùng mai mối cho đôi trai gái. Ông mai mối đọc lời thề nếu chàng trai bỏ cô gái hoặc ngược lại, sẽ phải đền một con trâu, một tạ heo và 50 ché rượu.
Già làng mời cùng uống rượu cần và chia vui cùng gia đình.
Vật phẩm trong lễ cưới bao gồm: một ché rượu cần, một con gà với bộ gan được luộc chín và một đĩa tiết sống.
Ngày cưới của người Ba Na bao giờ cũng là ngày giữa tháng, ngày trăng tròn, ngày được coi là tốt nhất để tiến hành công việc trọng đại. Đám cưới diễn ra trọn một ngày và là ngày hội của làng.
Thịt được luộc chín, xâu thành dây thịt treo trên cây cột làm lễ vật trong đám cưới của người Ba Na.
Nghi thức trao vòng trong đám cưới của tân lang, tân nương.
Người Ba Na rất kiêng sống độc thân, cho nên, trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Xây dựng gia đình không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm bắt buộc đối với các thành viên trong cộng đồng.
Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người Ba Na chưa hẳn là sắc đẹp, cũng không phải là giàu nghèo hay môn đăng hộ đối mà phẩm chất không thể thiếu được của người vùng cao, đó là trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy; trai có tài săn bắn, lấy củi, gái thạo đan lát, dệt vải.
Lễ cưới là ngày hội của buôn làng, được tổ chức trang trọng tại nhà Rông.
Sau hôn lễ ở nhà Rông, đám cưới được tiếp tục tại hai gia đình với sự tham gia, góp vui của toàn thể dân làng. Người ta quây quần bên các ché rượu cần. Thức ăn được bày lên những chiếc lá Pơ - pang đặt trên những tấm phên hay chiếc nong to.
Mọi người ăn uống, chuyện trò vui vẻ và hát múa chúc mừng cho đôi tân lang, tân nương sống hạnh phúc trọn đời.
Lễ cưới kết thúc trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, lời ca tiếng hát, những điệu múa dân gian đậm đà bản sắc của dân tộc Ba Na.