Anh có nhận định gì về hiện tượng tràn lan các danh hiệu không xác định trong đời sống văn hóa xã hội thời gian gần đây?
Ta đang sống trong một thời đại mà Andy Warhol (nghệ sĩ đương đại nổi tiếng người Mỹ- PV) đã dự báo từ những năm 1960: “Ai rồi cũng sẽ nổi tiếng toàn cầu trong 15 phút”. Tính ẩn dụ của câu nói là chúng ta sống trong thời đại truyền thông đại chúng.
Tất nhiên, phê phán những cái đấy quá dễ rồi. Và đương nhiên nó rất dở hơi. Nhưng chúng ta phải hiểu, ta đang sống trong thời đại ai cũng có quyền tự coi mình là “something” (tạm dịch: “một cái gì đó”), và ai cũng có cộng đồng coi người đó là “something”. Thời đại sự ngớ ngẩn lên ngôi, nhưng đừng hiểu sự ngớ ngẩn ở đây theo kiểu ngu ngốc. Mà ngớ ngẩn là một “đạo đức học” của toàn xã hội. Đôi khi chúng ta đang ở trong một nền tảng đạo đức học tôi còn cho là của thế kỷ 16, 17 không hoàn hảo. Tức là đạo đức học của chủ nghĩa hiện đại, với những tiêu chuẩn rất chặt chẽ, về tốt, về xấu, về đào luyện. Ví dụ thích những cái gì cổ điển, cổ kính, những tài năng phải được rèn luyện, những thiên tài… Trong khi những xung đột của xã hội hậu hiện đại là post-truth, tức xã hội không còn sự chân thật.
Với xã hội như vậy đương nhiên hệ đạo đức và hệ chân lý xung đột nhau. Tôi không phê phán cái gì cả. Tôi chỉ nói những hiện tượng mà ta thấy là hợp quy luật, không phải là cái gì trên trời rơi xuống. Ở phương Tây cũng xảy ra những chuyện như vậy và cũng dẫn đến những xung đột, nhưng khác Việt Nam ở chỗ từ đó hình thành những lý thuyết lớn. Ví dụ lý thuyết của Jean Francois Lyotard hay của Jean Baudrillard…
Có nhiều danh xưng ngớ ngẩn không kém, nhưng “Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh” được dư luận quan tâm đặc biệt. Theo anh vì sao?
Ở một góc độ khác, nhu cầu tâm linh cũng cần chứ. Mình cứ chê bai nó cũng vì mình hiểu “tâm linh” theo tiếng Việt- tệ quá thôi chứ thực ra chính xã hội này cần tâm linh. Nhưng là tâm linh thế nào, có ích cho ai… Ở bề mặt thì “nữ hoàng” hay “hoàng đế” gì thời nay cũng là để kiếm tiền. Nhưng tâm linh tôi vẫn tin có thật. Bi kịch của người Việt là tầm thường hóa tất cả mọi thứ trong đó có tâm linh. Tâm linh xuất hiện không có gì bi kịch nhưng việc tầm thường hóa tâm linh là bi kịch. Anh lấy một cái tem mậu dịch để dán lên một thứ như tâm linh, thì đó là sự tầm thường hóa. Tâm linh vốn xung đột với mọi thứ chính danh rồi.
Giả sử danh hiệu này được trao nhận một cách nghiêm túc, thì người xứng đáng với nó cần phải có những yếu tố gì, theo anh?
Tôi nghĩ đời thường không ai đặt được cho người ta cái danh hiệu ấy. Tự “tâm linh” tỏa hương sẽ kéo mọi người đến gần. Nếu có danh hiệu, tự nó sẽ thành và tự nó sẽ mất. Nó như cái cây tỏa bóng mát, như Đức Phật hiền minh thì tự khắc sẽ kéo mọi người đến gần. Thì đấy là danh hiệu của tâm linh. Chứ làm sao anh lấy một danh hiệu của đời thường để định vị cho một thứ không phải đời thường.
"Loạn danh hiệu là hiện tượng thú vị xảy ra trong một xã hội khi những giá trị bị đảo lộn. Người ta thèm khát những giá trị ảo hơn những giá trị xuất phát từ nội tâm. Họ cần một sự ghi nhận từ bên ngoài, và thay vì tự mình nỗ lực thì lại vận dụng những kỹ xảo xã hội kiểu nhất thân nhì thế tam quyền tứ chế gì đó để đạt được sự công nhận đó.
Mỗi người xây dựng một bảng giá trị riêng cho cá nhân mình và sẽ phải tự hỏi bảng giá trị đó đóng vai trò gì trong cuộc sống của mình… Nếu câu trả lời là để kiếm tiền nhiều hơn, hay để có quyền lực nhiều hơn thì có lẽ cần xét lại. Khi tự vấn chính mình, chúng ta sẽ xác định được điều gì có giá trị thực tiễn, lâu dài cả đời người; cái nào chỉ có giá trị nhất thời.
Việc lựa chọn giá trị sống nào, có thực sự khôn ngoan không, mỗi người phải tự xét. “Người phán xét” cuối cùng chính là đời sống của mỗi người. Hậu quả của những danh hiệu đó 5-10 năm rồi sẽ xảy ra. Lúc đấy họ mới tự mình đánh giá được".
Nhà nghiên cứu tâm lý, TS. Lê Nguyên Phương