Tầm nhìn & lợi ích

TP - Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế chung và cũng là lựa chọn không thể khác trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và, nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì đó là quá trình tiến hóa nên không thể ngừng.

> Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là đột phá then chốt

Chính vì thế, ngoài 15 hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và khu vực đã ký kết, Việt Nam (với tư cách của một quốc gia, hoặc với tư cách thành viên của một khu vực mậu dịch tự do) đang và sẽ tiếp tục đàm phán FTA với các quốc gia khác.

Với việc tham gia các FTA và tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, Chính phủ thể hiện tầm nhìn xa về lợi ích quốc gia trong việc tham gia thương mại tự do. Nói chính xác hơn là Chinh phủ nhìn thấy được lợi ích cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn của việc tham gia các sân chơi tự do hóa thương mại.

Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp (DN) - chủ thể đồng thời là những nhân vật chính trên sân chơi thương mại tự do- lại chưa thấy rõ những lợi ích cụ thể này. Vì chưa nhận thấy lợi ích nên phần lớn các DN không biết nắm bắt hoặc khai thác, phát huy cơ hội do FTA đem lại.

Theo cách nói của Đại sứ Ngô Quang Xuân-người tham gia đàm phán đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì “đó là sự đau đớn và đáng tiếc”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đau đớn và đáng tiếc đó, nhưng đáng kể nhất là do sự hạn hẹp về tầm nhìn của chính các DN và các tổ chức đại diện của họ - các hiệp hội ngành nghề. Song, theo các chuyên gia, nếu lấy đó để “trách cứ” hay đổ lỗi cho các DN thì e không thỏa đáng. Dường như, có sự bất ổn nào đó trong các cơ quan giúp việc của Chính phủ, tức các Bộ, ngành liên quan.

Bà Phạm Chi Lan cũng từng thẳng thắn nhận xét, đại ý: Các Bộ, ngành xem việc đàm phán xong là hết trách nhiệm và “đủng đỉnh...đút tay túi quần”, không kịp thời triển khai việc truyền đạt, hướng dẫn, khuyến cáo cho các DN phải hoặc nên làm gì trước những thỏa thuận trong các FTA. Nếu có làm cũng qua loa chiếu lệ.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng thể hiện sự đủng đỉnh của mình bằng việc viện dẫn nhiều lý do để không kịp thời xây dựng những hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn cản hàng hóa kém chất lượng từ ngoài tràn vào thị trường trong nước.

Sau 5 năm gia nhập WTO, mọi người mới vỡ nhẽ, lợi ích mà các DN Việt Nam, thực chất là lợi ích quốc gia thu hoạch được quá khiêm nhường so với những kỳ vọng ban đầu. Lợi ích luôn đi đôi với tầm nhìn, đó là bài học khởi đầu rút ra trong tự do hóa thương mại .

Theo Báo giấy