> 'In the spotlight' sẽ không còn là “tiêu điểm”
Giai điệu Tổ quốc- số cuối cùng của Tâm điểm Âm nhạc kết hợp các giọng ca: Trọng Tấn, Nguyên Thảo, Uyên Linh và Vũ Thắng Lợi trong dòng nhạc đỏ. Bản thân lối hát nhẹ nhõm, trong sáng của Trọng Tấn đã mang lại nét mới cho các bài nhạc đỏ.
Vũ Thắng Lợi từng mang tiếng hát giống Trọng Tấn đã chứng minh điều ngược lại bằng lối hát mạnh mẽ, hùng tráng. Lợi được giao hát mở màn Tình ca (Hoàng Việt) và bài chủ đề Giai điệu Tổ quốc.
Nguyên Thảo phá cách hơn khi hát Mẹ yêu con, Áo mùa đông với tinh thần phiêu linh của jazz. Những tiết mục song ca, tứ ca như Bến xuân- Đàn chim Việt, Bài ca hy vọng, Gọi anh và bài kết Tình ca (Phạm Duy) được thể hiện nhuần nhuyễn và sáng tạo- chứng tỏ các nghệ sĩ đã đầu tư thời gian tập luyện thích đáng.
Kiểu phối khí và chọn ca sĩ của chương trình khiến khán giả thấy thích thú khi tiếp cận sâu sắc hơn với phần âm nhạc của các ca khúc cách mạng. Một cách làm mới có lý và cả có tình.
Chương trình như thường lệ không có người dẫn, không có các màn giao lưu chia sẻ lâm li của các ngôi sao, múa phụ họa lại càng không. Chỉ có âm nhạc nối tiếp âm nhạc. Bắt đầu đúng giờ vì được truyền hình trực tiếp, Giai điệu Tổ quốc kết thúc nhanh gọn lúc chưa đầy 10 giờ tối, làm khán giả hơi bị hẫng.
Trần Thanh Tùng (Tùng John)- đại diện nhà tổ chức dẫn ê-kip ra chào khán giả, nói vắn tắt mấy câu cảm ơn, hẹn gặp lại ở các dự án tiếp theo. Chỉ có bà xã của anh nước mắt lưng tròng, nhưng rồi có vẻ cũng kìm lại được. Thế là khán giả đành chia tay với chuỗi chương trình âm nhạc chất lượng cao đã lai rai được 8 số với 17 đêm diễn ở Hà Nội và TPHCM.
Có thể Tâm điểm Âm nhạc dừng lại ở đây là vừa đẹp, vì khả năng hai năm liền nhận giải Cống hiến e khó xảy ra. Nên dừng lại để tránh năm sau bị đề cử rồi lại mang tiếng “thất bại”.
Dù gì thì chương trình đã hoàn thành tốt sứ mạng. Dư âm đẹp mà nó để lại là thương hiệu quý giá cho nhà tổ chức. Tất nhiên không phải công ty nào cũng đủ tài lực để làm được thương hiệu kiểu Mỹ Thanh, nếu sát cánh bên họ không phải là giám đốc âm nhạc Hồng Kiên và ban nhạc Anh Em. Dù những người làm chương trình không muốn nói về lỗ lãi nhưng nếu thực sự lãi thì chẳng có cớ gì lại không tiếp tục đưa Âm nhạc vào Tâm điểm.
Một thực tế là chương trình ca nhạc bây giờ khó mà lãi nếu nhà tổ chức không bám sát các yếu tố thị trường. Nếu ca sĩ và dòng nhạc không mang tính thị trường thì quy mô chương trình cũng phải phù hợp với lượng khán giả. Tâm điểm Âm nhạc dường như chỉ chơi với những nghệ sĩ đáp ứng một đẳng cấp nghệ thuật nhất định, không phải ai trong số đó cũng là nhân tố thị trường.
Số nào cũng được tổ chức trang trọng từ âm thanh ánh sáng cho tới biên chế dàn nhạc- đều ở mức hoành tráng. Vì thế giá thành sẽ đội lên rất cao, khán giả đại trà khó mà chia sẻ được. Đó là kiểu “chơi” âm nhạc chứ không phải làm âm nhạc để kiếm tiền.
Tâm điểm Âm nhạc dừng lại với hứa hẹn sẽ chuyển hướng sang những dự án khác, trẻ trung, sống động hơn. Chương trình tới đây sẽ mở rộng biên độ hợp tác với các nghệ sĩ, tạo sân chơi cho những người trẻ và sản xuất cả album. Những dự án đầu tiên được hé lộ là album đầu tay cho Vũ Thắng Lợi và liveshow Trọng Tấn trong năm 2014.
Gây tiếng vang qua 2 năm với một chương trình chia tay chính thức là thành tích đáng nể của ê-kip. Trước Tâm điểm Âm nhạc, Không gian Âm nhạc (có tài trợ) được sản xuất với quy mô nhỏ hơn nhiều, nhưng cũng không cầm cự quá 1 năm (với 10 số) trước sức ép thị trường. Số thứ 11 đã quảng bá và bán vé nhưng rút cuộc không thể diễn ra.