Tấm cản pô xe máy: ‘Máy chém’ trên đường
> Bé gái gần đứt lìa bàn chân vì tấm chắn biển số xe
Gây sát thương rất nặng
Từng chứng kiến những vụ tai nạn như trên, bà Nguyễn Thị N. (ngụ phường 14, quận 4 - TPHCM), kể lại: Khi đến ngã tư đường Hai Bà Trưng - Lý Chính Thắng (quận 1 - TPHCM), người nhà bà N. chuẩn bị dừng xe khi có tín hiệu đèn đỏ thì có một xe máy vượt qua vướng nhẹ vào bàn chân.
Người nhà bà N. cũng chưa biết có chuyện gì nên thắng xe lại chống chân thì xe bị nghiêng qua trái. Người này nhìn xuống thì thấy bàn chân chảy máu đầm đìa, 3 ngón chân đã bị cắt rời.
Cách đây không lâu, một học sinh Trường Tiểu học Bến Cảng (quận 4) cũng bị tấm cản inox của pô xe Air Blade đi cùng chiều cắt gần đứt rời mấy ngón chân.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy (Khoa Cấp cứu - Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) cho biết thời gian gần đây, BV tiếp nhận khá nhiều nạn nhân của tấm inox chắn pô xe máy, chủ yếu của xe Honda Air Blade. Trường hợp nhẹ có khi nạn nhân chỉ bị những vết chém “ngọt” kéo dài 5-7 cm, sâu 1-2 cm nhưng không ít trường hợp nặng thì cả bàn chân gần bị đứt rời.
Nắp chắn pô, cản nhiệt này được coi là “sát thủ” bất ngờ đối với người đi đường. “Những tai nạn làm đứt rời bàn chân thường xảy ra với trẻ em 3- 5 tuổi vì chỗ để chân của người ngồi sau xe cũng ngang với nắp chắn pô. Hơn nữa, do chân của trẻ nhỏ nên khi quệt phải tấm chắn pô sắc lẹm dễ dàng bị ngoặm sâu, chém đứt chỉ trong trong giây lát” - ông Uy cho biết.
Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu BV Việt Đức, không ít trường hợp bị “chém” quá sâu khiến nạn nhân bị đứt cả gân ngón chân, chạm đến tận xương. “Nhiều nạn nhân kể lại cú va chạm rất nhẹ, gần như chỉ sượt qua nhưng do mép miếng chắn pô quá sắc đến độ người bị không có cảm giác chân mình bị đứt cho đến khi máu chảy xối xả, người đi đường la toáng lên thì mới hay biết...” - một bác sĩ cho biết.
BS Tô Vĩnh Ninh, Trưởng Khoa Cấp cứu - BV Nhân dân Gia Định (TPHCM), cho biết ông cũng từng gặp một số trường hợp bị tổn thương chân do tấm cản pô xe. “Thường gặp nhất là tổn thương phần mắt cá, rồi đến phần ngón chân và cẳng chân, đa phần chỉ chấn thương phần mềm nhưng cũng có nhiều ca nặng, bị cắt đến tận xương.
Chấn thương ở mắt cá khá nguy hiểm, nếu vết cắt sâu có thể tổn thương đến một số gân, cơ quan trọng”.
Theo BS Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, tấm cản pô bằng kim loại ở nhiều loại xe máy rất bén nên nếu chủ xe bị té mà phần này đè hay sượt qua chân thì cũng dễ bị thương.
Nhiều vết thương nặng và người bị thương do tấm cản pô cũng dễ nhiễm trùng và bị uốn ván. Thậm chí tấm cản pô bằng inox bén đến nỗi có trường hợp phải vào viện vì… đứt tay do rửa xe!
Bán tràn lan, trách nhiệm mơ hồ
Ống pô xe Air Blade được thiết kế vuốt cao về phía sau. Do tấm cản nhiệt được làm bằng nhựa nên sau một thời gian sử dụng dễ bị vỡ. Ngoài việc trang trí cho đẹp, hầu hết người mua xe Air Blade đã chọn phương pháp lắp thêm tấm cản nhiệt bằng inox bên ngoài tấm bằng nhựa để bảo vệ.
Trong khi nhiều chiếc xe máy phần cản nhiệt được thiết kế, lắp đặt áp sát với ống pô thì xe Air Blade lại có khoảng cách tới vài cm về bên trên, tạo thành một khoảng trống khiến những người đi đường (đặc biệt là các em nhỏ, bàn chân bé) khi va quệt dễ bị hút cả bàn vào, chấn thương nặng.
Theo khảo sát của chúng tôi, những tấm cản nhiệt được các cơ sở cơ khí chế tác và bày bán khắp nơi. Hầu hết các cửa hàng sửa chữa xe máy đều bán và sẵn sàng lắp thêm cho khách khi có nhu cầu.
Sau khi biết những tấm cản nhiệt bằng thép, mỏng, sắc gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường, các cơ sở cơ khí tiếp tục cho ra đời thêm tấm cản nhiệt được làm bằng gang, thép dày hơn.
Giá của thiết bị làm bằng thép dao động trong khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng, nếu làm bằng gang dày thì từ 180.000 - 220.000 đồng.
Một số thợ sửa xe ở Hà Nội cho biết dù làm bằng chất liệu gì đi nữa khi va quệt vẫn có thể gây ra thương tích cho người đi đường.
“Nhà sản xuất thiết kế tấm cản nhiệt có vị trí ngang bằng với chỗ để chân của người ngồi sau xe máy khác và không ốp sát vào pô xe là bất hợp lý. Xe Air Blade liên tục nằm trong nhóm xe máy bán chạy nhất từ khi được đưa ra thị trường và hầu hết người mua xe này đều lắp thêm “lưỡi gươm” bằng inox, gang như vậy thì có nghĩa là mối lo đứt chân khi lưu thông trên đường vẫn đang rình rập người dân” - anh Xuân Tùng, thợ sửa chữa xe máy trên đường Láng (Hà Nội), nói.
Ông Shinichi Shimada, Trưởng Phòng Cấp cao - Phòng Dịch vụ khách hàng Công ty Honda Việt Nam (HVN), cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định HVN chưa từng sản xuất hoặc cung cấp phụ kiện tấm chắn nhiệt bằng inox cho xe Air Blade này. Tấm cản nhiệt gắn trên xe Air Blade của HVN làm bằng chất liệu nhựa và an toàn cho người sử dụng”.
Từ ngày 29-1-2010, HVN đã có văn bản khuyến cáo gửi đến tất cả cửa hàng Honda ủy nhiệm (HEAD) không bán, sử dụng, lắp ráp bất cứ phụ kiện không chính hiệu nào cho xe HVN.
Bị xử phạt, phải bồi thường
Theo thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật Điều tra - Xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt - Bộ Công an), Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm chủ phương tiện thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo. Việc chủ xe máy lắp thêm thiết bị cản nhiệt không có trên thiết kế ban đầu có thể sẽ bị CSGT xử phạt với mức từ 800.000 - 1,2 triệu đồng.
Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc chủ xe lắp thêm thiết bị cản nhiệt không như thiết kế gây ra tai nạn cho người khác phải bồi thường chi phí chữa trị, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất do quá trình điều trị gây ra…
Theo Người Lao Động