Taliban sẽ áp dụng trở lại hình phạt chặt tay chân người phạm tội

TPO - Một quan chức cấp cao của Taliban cho biết phong trào này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với người phạm tội như chặt tay, chặt chân, nhưng có thể sẽ không tiến hành công khai.
Ông Mullah Nooruddin Turabi. Ảnh: AP

Trả lời hãng tin AP, Mullah Nooruddin Turabi – một trong những người sáng lập Taliban cho biết: “Các nước chỉ trích chúng tôi về việc thi hành án phạt trong sân vận động, nhưng chúng tôi chưa từng ý kiến về luật pháp và các hình phạt của họ. Chúng tôi không cần họ hướng dẫn về luật pháp. Chúng tôi sẽ tuân theo các quy tắc của đạo Hồi, và xây dựng luật pháp dựa trên Kinh Quran.”

Kể từ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8 và giành quyền kiểm soát đất nước, người dân Afghanistan và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã theo dõi các động thái của tổ chức này, xem họ có tái lập chế độ cai trị hà khắc như thời kì cuối những năm 1990 hay không.

Vào thời điểm đó, ông Turabi là Bộ trưởng Tư pháp kiêm người đứng đầu Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống tội phạm. Chính quyền Afghanistan khi ấy bị chỉ trích vì tiến hành các cuộc hành quyết dã man ở sân vận động Kabul hoặc nhà thờ Hồi giáo Eid Gah trước sự chứng kiến của hàng trăm người.

Trong các vụ hành quyết, những nghi phạm bị kết tội giết người sẽ bị gia đình nạn nhân nã súng vào đầu, những nghi phạm bị kết tội trộm cướp sẽ bị chặt đứt một bàn tay, hoặc một bàn tay và một bàn chân.

Phát biểu mới của Turabi cho thấy giới lãnh đạo Taliban dường như vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, bảo thủ, dù đã “mở cửa” hơn và thích nghi với những thay đổi về công nghệ như việc sử dụng điện thoại di động.

Turabi cho biết trong thời gian tới, các thẩm phán - bao gồm cả phụ nữ - sẽ tham gia xét xử các vụ án. Nhưng nền tảng của luật pháp Afghanistan vẫn là Kinh Quran. Các hình phạt tương tự trước đây cũng sẽ được “hồi sinh”.

“Việc chặt tay là rất cần thiết để đảm bảo an ninh”, Turabi cho biết, và nói rằng việc này có tác dụng răn đe. Ông tiết lộ nội các Afghanistan đang nghiên cứu xem có nên thi hành án phạt nơi công cộng hay không.

Turabi nổi tiếng là một quan chức bảo thủ, nhưng trong cuộc phỏng vấn lần này với AP, ông đã trò chuyện với một phóng viên nữ.

“Chúng tôi đã thay đổi so với trước kia”, Turabi khẳng định. Ông cho biết giờ đây Taliban sẽ cho phép người dân xem truyền hình, sử dụng điện thoại di động, chụp ảnh, quay phim, "bởi vì đây là nhu cầu của người dân và chúng tôi rất nghiêm túc về điều đó”.

Ông nói rằng Taliban coi các phương tiện truyền thông là một cách để truyền bá thông điệp. “Thay vì chỉ tiếp cận hàng trăm người, giờ chúng tôi có thể tiếp cận hàng triệu người. Nếu các vụ xử phạt được tiến hành công khai, người dân có thể được phép quay video, chụp ảnh để lan truyền, tăng tác dụng răn đe.”

Ngay cả khi cảm thấy sợ hãi trước sự cai trị của Taliban, một bộ phận người dân Kabul cũng thừa nhận thực tế rằng thủ đô đã trở nên an toàn hơn trong một tháng qua. Trước khi Taliban tiếp quản, các nhóm trộm cướp xuất hiện khắp nơi trên đường phố khiến người dân không dám ra đường vào buổi tối.

Theo AP