'Tài sản vô hình' của AVG được định giá hơn 13.000 tỷ đồng

TPO - Tổng giá trị tài sản của AVG ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp chỉ hơn 3.260 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là hơn 1.266 tỷ đồng, đầu tư ra ngoài ngành 2,473 tỷ đồng, phải đi vay tiền để làm truyền hình…, song AVG vẫn được định giá hơn 16.565 tỷ đồng, trong đó 13.448 tỷ đồng là giá trị tài sản vô hình.

Theo Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015, tổng tài sản 3.260 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 1.266 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là hơn 208 tỷ đồng. Tổng tài sản sau khi loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình (tổng số tiền 2.473 tỷ đồng) thì giá trị tài sản của lĩnh vực truyền hình là hơn 787 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 1.266 tỷ đồng, do đó vốn kinh doanh của mảng truyền hình âm 479 tỷ đồng.

Mặt khác, từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, nguồn vốn sử dụng cho hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng. TTCP xác định con số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

Dù thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, nợ cả nghìn tỷ, làm truyền hình thì thua lỗ, song các công ty tư vấn định giá đã “dán” những con số khủng lên thương hiệu của AVG.

Trong đó, Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng; Cty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng; Hà Nội Valu thẩm định 18.519 tỷ đồng. Còn Cty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.

TTCP cho rằng, kết quả thẩm định giá của AMAX đưa ra là không có cơ sở. Về giá trị tài sản vô hình của AVG mà AMAX định giá, TTCP đã trưng cầu giám định của Bộ Tài chính nhưng không có kết quả.

Ngoài ra, thông tin từ TTCP cũng cho biết, Cty AMAX đã sử dụng nguồn tài liệu bất hợp pháp trong quá trình định giá AVG. Đơn vị tư vấn này sử dụng nguồn số liệu của VCBS. Từ thông tin này của TTCP, có thể đặt câu hỏi, tại sao hai công ty được Mobifone thuê để định giá độc lập lại có số liệu của nhau để “tham khảo”?

Từ đó, TTCP cho rằng, sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng nêu trên và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quá trình thanh tra còn làm rõ có 2 thành viên trong tổ thẩm định dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG đã đưa ra những cảnh báo về thương vụ này song trong báo cáo tổng hợp của Tổ thẩm định chưa phân tích, đánh giá đầy đủ.

Nhất là ý kiến của Vụ trưởng Vụ pháp chế về việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần AVG và việc xác định tỷ lệ mua cổ phần là 95% là chưa thuyết phục, kiến nghị cần tiếp tục rà soát dự án. Bên cạnh đó, thành viên khác của tổ thẩm định là Phó Cục trưởng Cục Báo chí cảnh báo về hiệu quả đầu tư do sự sụt giảm thị phần trong kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền.