Nhận thông tin xấu, độc phải báo Trưởng đoàn, Tổng Thư ký
Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, dự thảo nghị quyết đã bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin xấu, độc, không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp. Khi nhận được thông tin như vậy, đại biểu phải “có trách nhiệm thông báo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội”.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ “thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp”, để có cách hiểu thống nhất, cũng như có căn cứ xem xét trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, lần sửa đổi này cũng quy định hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu kỳ họp theo hướng công khai danh sách các cơ quan và lý do gửi chậm tài liệu.
Đồng tình bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc cơ quan trình dự án, dự thảo chậm gửi hồ sơ, tài liệu còn làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra đối với dự án, dự thảo do các cơ quan của Quốc hội không có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến chuyên gia, chuẩn bị ý kiến thẩm tra.
Thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đều đồng tình ủng hộ với quy định này. Theo đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), tại các kỳ họp vừa qua, nhiều dự thảo luật, dự án, nghị quyết bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một hạn chế, tồn tại nhiều năm qua và chưa có giải pháp triệt để.
Có thể tự ứng cử hoặc giới thiệu
Về công tác nhân sự, bên cạnh quy định trình tự bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo cũng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ và trình nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước.
Điều 42 dự thảo quy định, đại biểu Quốc hội có thể tự ứng cử hoặc giới thiệu đại biểu Quốc hội trong Đoàn để bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn; Chủ tọa phiên họp hoàn thiện hồ sơ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phê chuẩn gồm: Tờ trình, Biên bản họp Đoàn, biên bản kiểm phiếu theo mẫu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhất trí cao quy định bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ngay sau khi được bầu là phù hợp, bảo đảm yêu cầu triển khai công tác nhân sự, kịp thời điều hành hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá mới chưa được thành lập và chưa tiến hành được thủ tục phê chuẩn chức danh Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn. “Quy định như vậy đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đặt ra”, ông Thắng cho hay.
Liên quan đến hồ sơ nhân sự, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, quy định như dự thảo chưa đầy đủ rõ nghĩa. Theo ông, cần quy định hồ sơ nhân sự phải có báo cáo thẩm tra về tính chính xác hồ sơ nhân sự, ví dụ như vấn đề bằng cấp, tài sản có đúng hay không.
“Cơ quan gửi hồ sơ phải có trách nhiệm, tránh tình trạng chưa thẩm tra, thẩm định đã trình Quốc hội”, ông Phước cho hay.