Tài năng trẻ mạnh nghiên cứu, yếu ứng dụng

TP - Tại các trung tâm thảo luận của chương trình Gặp gỡ tài năng trẻ KHCN Việt Nam 2012 do T.Ư Đoàn, Bộ KHCN tổ chức ngày 9 – 11, các đại biểu đề cập những khó khăn, đề xuất những biện pháp đưa khoa học công nghệ, những công trình được nghiên cứu áp dụng vào thực tế.

> Sáng tạo là năng lực sống

Tại trung tâm thảo luận Vai trò của Tài năng trẻ Việt Nam trong việc phát triển khoa học công nghệ, nhiều ý kiến trao đổi thực trạng khó khăn trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo như: Chưa đồng bộ trong hệ thống đào tạo, ngân sách eo hẹp…

TS.Nguyễn Trọng Nghĩa (Tài năng trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2011, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ tại địa phương ít có cơ hội tiếp cận các hướng nghiên cứu mới và làm việc với các chuyên gia nước ngoài”.

Thêm một nguyên nhân gây hạn chế trong việc sử dụng tài năng theo PGS.TS.Phạm Văn Hội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phân tích: “Rất nhiều ý tưởng mới trong khoa học công nghệ xuất phát từ giới trẻ ngay trong thời kỳ họ là sinh viên, trong đó có nhiều ý tưởng mới lạ mà người thầy chưa cập nhật, hiểu cặn kẽ nên không có đánh giá đúng tầm các ý tưởng. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến lòng đam mê sáng tạo của giới trẻ”.

Tại trung tâm thảo luận Tập hợp, kết nối tài năng trẻ Việt Nam và toàn cầu, các đại biểu cho rằng, các hoạt động tài năng trẻ hiện nay mới chủ yếu dừng ở việc tuyên dương về tinh thần, những hoạt động hỗ trợ về vật chất chưa đạt hiệu quả. Công tác tập hợp, kết nối, bồi dưỡng, hỗ trợ tài năng trẻ chưa được triển khai đồng bộ, bị phân tán và chưa kịp thời.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Kiều Văn Khương, Khoa điều trị tích cực, Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), giải thưởng Quả cầu vàng năm 2011, công tác tập hợp tài năng trẻ chưa được triển khai có hệ thống và thiếu tính đồng bộ.

Một số hội, CLB năng khiếu, tài năng trẻ ở địa phương được thành lập nhưng không kết nối thường xuyên.

Bác sĩ Kiều Văn Minh và đồng nghiệp thường xuyên gặp khó khăn trong quá trình áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn.

“Có những đề tài đã bảo vệ thành công nhưng đó chỉ là trên giấy tờ, lý thuyết, muốn ứng dụng vào thực tiễn lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể vì không tìm được đối tác cũng như kinh phí triển khai. Ví dụ giai đoạn sản xuất thử sản phẩm trong lĩnh vực y học cần có đầu tư kinh phí, kết hợp công nghệ thông tin, sinh học, y học, máy móc trang thiết bị...”, anh Khương chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, anh Thân Văn Tự, Sở KHCN Hà Tĩnh, một trong những tài năng trẻ được tôn vinh trong năm nay cũng cho biết, sau khi các dự án, công trình về biến đổi khí hậu, phòng chống bão lụt của anh được các tổ chức phi chính phủ đánh giá cao và trao giải thưởng, nó cũng chỉ đến được với người dân bằng cách tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng. Việc xây dựng một mô hình thử nghiệm thực tế là điều không thể vì gần như không có kinh phí.

Tháo gỡ khó khăn trên, GS Mai Trọng Nhuận đề xuất: “Cần phải coi tổ chức Đoàn là tổ chức hoạt động khoa học công nghệ. Phát huy vai trò tổ chức, tập hợp của Đoàn Thanh niên trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, kêu gọi đầu tư để những nghiên cứu của nhà khoa học trẻ được ứng dụng trên thực tế”.

Vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc cải tạo môi trường, hỗ trợ phát huy tài năng trẻ đóng góp cho sự phát triển của khoa học công nghệ đáng được ghi nhận với nhiều cuộc thi như: Ý tưởng sáng tạo, Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, Sáng tạo tiết kiệm năng lượng, mô hình Vườn ươm tài năng khoa học công nghệ trẻ dành cho các nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học- Eureka… Thông qua những mô hình, cuộc thi này, Đoàn đã tạo những sân chơi, môi trường để nuôi dưỡng, lan tỏa niềm đam mê sáng tạo khoa học của các bạn trẻ.

Theo Báo giấy