Chương trình trải nghiệm đặc biệt Huyền thoại tuổi thanh xuân được biểu diễn miễn phí tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tối 27/7 để tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong. Huyền thoại tuổi thanh xuân tái hiện vùng trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc năm 1968, trên tuyến đường huyết mạch 15A. Đây là nơi 10 nữ thanh niên xung phong tiểu đội 4-C552 chiến đấu và hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ thông đường cho các đoàn xe chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Vở diễn có thời lượng khoảng 60 phút, nhiều bối cảnh được tái hiện bằng công nghệ hình ảnh, ánh sáng. Hiệu ứng 3D khiến những hố bom, căn hầm chữ A, trận địa pháo và các đoàn xe hiện lên sinh động, chân thực trước mắt khán giả.
Phần đầu tiên mang tên Ký ức về Ngã ba Đồng Lộc, mở đầu bằng đoạn phim tài liệu về những trận đánh khốc liệt và sự tàn phá của bom đạn Mỹ. Ê-kíp thực hiện cũng giới thiệu những kỷ vật của các chiến sĩ thanh niên xung phong như mũ cối, áo trấn thủ, cuốc xẻng, thư tay... Các hướng dẫn viên của bảo tàng giới thiệu tầm quan trọng chiến lược của Ngã Ba Đồng Lộc.
Vở kịch ngắn tái hiện cuộc sống và công việc của 10 nữ
thanh niên xung phong. Những hình ảnh, đoạn phim và lời kể từ đồng đội và gia đình xen lẫn vở diễn. Câu chuyện cá nhân như ước mơ, lời nhắn nhủ gia đình khiến khán giả tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam rơi nước mắt. Mỗi nhân vật đều có điểm nhấn về tính cách, tâm lý riêng nhưng điểm chung của họ là vẻ hồn nhiên, yêu đời, sống có lý tưởng.
Mệnh lệnh từ trái tim của tất cả cô gái Ngã ba Đồng Lộc thời đó là: “Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”. Trên tuyến đường này, 10 cô gái ở tuổi 18, đôi mươi và hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, viết nên những khúc tráng ca bất tử.
Đạo diễn Lê Quý Dương khẳng định ưu tiên các thương binh, cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong tới tham dự chương trình bởi sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước phải được lớp trẻ ghi nhớ và tri ân.
Bài hát Cô gái mở đường vang lên ở phần thứ ba, trong không gian lắng đọng và thiêng liêng. Hiệu ứng âm thanh như tiếng bom đạn, tiếng bước chân vội vã, tiếng khóc cũng khiến khán giả phải chăm chú dõi theo.
Để phục vụ chương trình, hàng tấn đất đã được BTC chuyển từ Ngã ba Đồng Lộc ra Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đó cũng là tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những anh hùng liệt sĩ.
Khán giả trẻ không cầm được nước mắt trong chương trình tối 27/7.
Chương trình
Huyền thoại tuổi thanh xuân cũng đánh dấu lần đầu
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thể nghiệm mô hình tuyên truyền bằng hình thức sân khấu để thu hút khán giả, du khách.
Ngày 24/7/1968, đúng 12h trưa tại Ngã ba Đồng Lộc (nay thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), 10 cô gái thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng chưa kịp ăn cơm, vội ra mặt đường san lấp hố bom. Vào 16h cùng ngày, bom địch trút dữ dội, nhằm thẳng mục tiêu nơi các chị đang làm đường. Các cô gái lánh tạm vào một căn hầm gần nhất bên đường, đợi cho máy bay đi qua sẽ tiếp tục nhiệm vụ. Bỗng một loạt bom rơi, hầm sập, tất cả hy sinh. Năm 1972, 10 cô gái được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Phạm Nhung