Công viên di chỉ Vườn Chuối

Tái hiện 'ngôi nhà' của những cư dân đầu tiên ở Hà Nội

TP - Khu di chỉ Vườn Chuối ở Hoài Ðức, nơi tìm thấy dấu vết của những cư dân đầu tiên Hà Nội sinh sống có nguy cơ xóa sổ, Hà Nội vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Quá trình khai quật khu di chỉ Vườn Chuối phát lộ hàng nghìn di vật có giá trị.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy từng gửi thư kêu cứu lên UBND thành phố Hà Nội, nay tiếp tục đề xuất ý tưởng đưa nơi này thành công viên di sản - ý tưởng được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2018. Ông trao đổi với Tiền Phong để làm rõ hơn giấc mơ tái hiện “ngôi nhà” của những cư dân đầu tiên ở Hà Nội.

Thưa ông, nguy cơ xóa sổ di chỉ Vườn Chuối khiến dư luận và các nhà khoa học lo ngại. Là người tâm huyết từng gửi thư lên Hà Nội kêu cứu, xin ông cho biết hiện trạng của di chỉ này?

Từ năm 2008-2010 chủ đầu tư dự án Kim Chung-Di Trạch làm thủ tục bồi thường đất, di chuyển mồ mả cho các hộ dân ở Lai Xá ở khu vực Vườn Chuối và nhận đất dự án. Họ tiến hành san ủi gần như toàn bộ khu vực này ngay sau khi mồ mả trên các cánh đồng được di chuyển, Họ cũng làm con đường xẻ đôi khu vực Vườn Chuối. Sau đó khu dự án bị đóng băng suốt bảy, tám năm nay. Gần đây họ lại đổ phế thải để san ủi phần phía phải con đường mới làm, phía cạnh làng. Phía trái con đường nơi trước đây đã có một số hố khai quật khảo cổ học vẫn giữ được hiện trạng. Một phần đất của Vườn Chuối cũ nay được giao cho thôn để mở rộng nghĩa trang được giữ nguyên trạng.

Một số hiện vật tại nhà riêng ông Phạm Văn Hùng tại Lai Xá. Ảnh: Nguyễn Văn Huy.

Khu di chỉ Vườn Chuối rộng khoảng 19 nghìn m2, được phát hiện từ năm 1969 sau một số cuộc khai quật phát lộ hàng nghìn di vật như 28 ngôi mộ táng Đông Sơn, đồ gỗ, đồ trang sức, gạo than hóa, vết tích thời đồ đồng... Các nhà khoa học bước đầu nhận định khu vực này là nơi có cư dân sinh sống từ 3.500-1.800 năm trước. Điều đó có nghĩa đây là nơi cư trú của những cư dân đầu tiên của Hà Nội, bằng chứng hiếm hoi và đáng quý về thời văn hóa Hùng Vương. Tuy nhiên sau tám lần khai quật, di chỉ này vẫn chưa được xếp hạng, dù mới đây sau khi dư luận và các nhà khoa học lên tiếng Hà Nội có văn bản yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phối hợp chủ đầu tư giữ nguyên trạng chờ giải pháp.

Tại cuộc hội thảo hồi tháng 7 vừa rồi do Hà Nội tổ chức, các nhà khoa học đề xuất cần sớm xếp hạng di tích để có cơ sở bảo tồn di tích. Vướng mắc lớn nhất chính là việc giao đất cho tư nhân xây dựng đô thị ở khu vực này, việc xếp hạng vì thế thêm khó khăn và đẩy di chỉ đến nguy cơ xóa sổ?

Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải tiến hành làm các thủ tục đánh giá hiện trạng của di chỉ, xem mức độ tồn tại của di chỉ khảo cổ học như thế nào, bị phá hoại đến đâu, đào thám sát tiếp tục khảo cổ học rồi thực hiện đánh giá, xếp hạng di tích, Việc xếp hạng di tích khảo cổ học đã có Luật Di sản văn hoá. Chúng ta chưa làm đã nghĩ đến khó khăn. Khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Không có vấn đề gì không thể giải quyết nếu như các bên liên quan, các chủ thể cùng ngồi với nhau, cùng đối thoại vì mục tiêu chung là phát triển bền vững.

Đối thoại phải trên tinh thần thực sự dân chủ, công bằng, công tâm giữa các chủ thể như cộng đồng, doanh nghiệp, quản lý nhà nước và nhà khoa học. Cho đến nay như tôi biết còn chưa có cuộc đối thoại này. Nếu có đối thoại thì có thể bàn với doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch. Dự án vẫn có công viên, nay có thể chuyển công viên tới vị trí có di sản ở Vườn Chuối cũng là một phương án được đề xuất mà không gây xáo động quá nhiều với khu đô thị này.

Ông có ý tưởng biến di chỉ Vườn Chuối thành công viên di sản, cụ thể chúng ta có thể làm gì để di chỉ không đơn thuần là những hiện vật được tìm thấy dưới lòng đất?

Tôi nghĩ Công viên di sản Vườn Chuối nếu tương lai được thực hiện cần làm một cách thông minh, đơn giản, tiết kiệm nhưng hợp lý. Không nên tái hiện công trường khai quật khảo cổ học như 18 Hoàng Diệu hay khu di sản mộ Binh mã dũng thời Tần Thuỷ Hoàng ở Trung quốc. Trên công viên này có thể sẽ có những ngôi nhà nho nhỏ nhưng hiện đại, hấp dẫn trưng bày về dấu tích những cư dân đầu tiên của Hà Nội, cư dân thời Hùng Vương, nó sẽ là một nơi sinh hoạt văn hoá mở cho cộng đồng và du khách. Dọc các con đường dạo trong công viên đầy cây xanh bóng mát mọi người sẽ trải nghiệm về khảo cổ học Vườn Chuối qua những bảng thông tin được thiết kế đẹp, bắt mắt. Đó lẽ là nơi học sinh đến khám phá về lịch sử văn hoá của con người Hà Nội hơn 3.000 năm trước.

Câu chuyện di chỉ Vườn Chuối khiến chúng ta nhớ tới nhiều bài học về bảo tồn khảo cổ học. Ngay khu 18 Hoàng Diệu thuộc di sản thế giới Hoàng thành dường như cũng chưa phát huy được giá trị. Theo ông mong muốn biến di chỉ thành công viên để kể lại câu chuyện Hà Nội có xa vời quá không?

Tôi nghĩ tuỳ từng di sản để đặt mục tiêu bảo tồn và phát huy. Hãy nghĩ bảo tồn di sản trước hết là cho chính người dân ở địa phương, ở thành phố của mình. Người dân và các thế hệ tương lai sống trong khu đô thị có di sản chắc sẽ có một đời sống tinh thần phong phú hơn, tự hào hơn về quá khứ lịch sử của cha ông. Đó là một nền tảng quan trọng để phát triển bền vững. Nếu Hà Nội phát triển nhiều điểm di sản nhỏ một cách hiệu quả như các công viên, các bảo tàng nho nhỏ thì sẽ góp phần làm cho đời sống văn hoá Thủ đô phong phú, giàu có hơn.

Cảm ơn ông!

“Công viên bảo tàng Vườn Chuối nếu được phát triển góp phần giúp cư dân ở đây có thêm sinh kế phát triển bền vững khi không còn đất canh tác. Vườn Chuối nếu được cứu, bảo vệ và phát huy chắc chắn chúng ta giữ được cho Hà Nội, thế hệ tương lai hiểu hơn về lịch sử Hà Nội, về những cư dân đầu tiên trong lịch sử của    thành phố”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy