Còn nhớ, cũng ngày này cách đây vài ba năm, không chỉ dư luận xã hội mà hết thảy cả giới chuyên gia, bộ ngành và người dân đều nghi ngờ những bước đi trong lộ trình tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng. Không chỉ thế, trước các “kịch bản” điều hành đảm bảo thanh khoản hệ thống, mục tiêu đưa lãi suất về dưới 10%/năm hay quản lý thị trường vàng; kiềm chế biên độ tỷ giá và mua bán sáp nhập ngân hàng, nhiều “điều tiếng” xì xào tỏ ý nghi ngờ.
Nhắc lại câu chuyện của 4 năm trước không khỏi ngậm ngùi, TS Lê Xuân Nghĩa kể thời đó, khi giá vàng “nhảy múa” đùng đùng và người người nhà nhà đi buôn vàng, đến vợ ông cũng không cầm được lòng sốt ruột muốn rút sổ tiết kiệm VND để chuyển sang giữ vàng.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch thì cứ nhớ mãi việc các doanh nghiệp phải vay lãi suất ngân hàng cao tới hơn hai chục phần trăm/năm; rồi khi hệ thống lao đao vì mất thanh khoản khiến ông và nhiều người hiểu nội tình “nhấp nhổm” như ngồi trên lửa.
Điềm đạm và kiệm lời đến như PGS.TS Trần Hoàng Ngân giờ còn phải gật gù thừa nhận, tái cơ cấu ngân hàng là lĩnh vực nỗ lực và làm được nhiều hơn cả trong tái cơ cấu nền kinh tế và đã đi theo đúng lộ trình giờ đang “gần về đến đích”.
Cũng như vậy, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh so sánh trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cũng thừa nhận “lĩnh vực tôi khó tin nhất là tái cơ cấu ngân hàng cuối cùng thành công hơn cả”.
Thẳng thắn mà nói, đến giờ bức tranh tái cơ cấu ngân hàng chưa hẳn đã “đẹp” như mơ. Dẫu thanh khoản dồi dào, cỗ xe nợ xấu dẫu đã dẹp sang một bên nhưng việc tiếp vốn vào nền kinh tế vẫn chưa thực chảy đều. Ngành ngân hàng, với cả chục đại án khiến người ta nghi ngại. Đặc biệt, câu chuyện mua 3 ngân hàng giá 0 đồng gây nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến cho rằng cần hơn cả sắp tới là sự điều chỉnh của luật pháp, mạnh dạn “cho phép ngân hàng phá sản”…
Nhưng nói như một người trong cuộc, tái cơ cấu ngân hàng hãy nhìn xuyên thấu như xem xét một chiếc cốc thuỷ tinh (cần có cái nhìn đa chiều, trên xuống, dưới lên, trong ra, ngoài vào) để xét cho thấu đáo. Hơn 3 năm qua, quần quật gánh vác, đã đến lúc, cần công tâm và khách quan về những gì tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 1 (từ năm 2011-2015) đã nỗ lực và làm được!