Thời gian gần đây, không thấy anh có cuốn sách nào mới?
Nhà văn Dương Hướng: Dạo không viết gì, vì tôi đang mê mải vào kịch bản phim “Dưới chín tầng trời”, còn nhiều nan giải lắm. Cứ viết đi viết lại, 30 tập phim chuyển thể.
Vai trò Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam có khiến anh bận bịu?
Nhà văn Dương Hướng: Bận bịu chứ. Riêng nghe điện thoại và nhận sách tặng cũng đã mệt. Bây giờ tôi phải đọc nhiều, không đọc nhiều không nói được, không phán được, không thuyết phục được người ta.
Lần đầu tiên anh đảm đương ghế Chủ tịch Hội đồng văn xuôi?
Nhà văn Dương Hướng: Đúng rồi. Tuy là lần đầu tiên giữ vai trò Chủ tich Hội đồng văn xuôi nhưng tôi từng ở trong Hội đồng này trước đó rồi.
Anh có cảm thấy áp lực với vai trò mới?
Nhà văn Dương Hướng: Không, tôi thấy bình thường. Nhưng tôi muốn làm tròn trách nhiệm để không ai nói được. Đó không phải áp lực mà đấy là làm theo cái tự nguyện của bản thân. Tất nhiên sẽ va chạm, sẽ ảnh hưởng, phải từ chối nhiều lời mời, lời đề nghị giúp đỡ. Nhưng tôi đã tuyên bố với Hội đồng: Dứt khoát phải sòng phẳng. Năm vừa rồi, Hội đồng của tôi chỉ đưa lên duy nhất cuốn “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương. Tác phẩm ẵm giải rất thuyết phục, chẳng ai nói được gì.
Có vẻ anh mất quá nhiều thời gian cho "ghế" mới?
Nhà văn Dương Hướng: Có chứ. Nhất là cuối năm đọc tác phẩm do mọi người tin tưởng gửi đến, “thẩm” hộ họ. Có cả hội đồng nhưng mình muốn phán được, phải đọc. Không thể dựa hết vào Hội đồng, mình phải có quan điểm riêng dựa trên ý kiến của các thành viên trong Hội đồng. Bạn thấy đấy, cộng đồng mạng bây giờ rất mạnh và khá chuẩn xác. Nói chung, cũng phải nhìn nhận nghiêm túc những vấn đề “nóng” mà cộng đồng mạng đưa ra để có đánh giá thấu đáo. Những ý kiến chưa chuẩn thì loại ra nhưng cũng có những ý kiến buộc mình phải nghiêm túc nhìn nhận về trách nhiệm của mình, trách nhiệm của Hội đồng.
Đọc để "thẩm" thì dễ thôi nhưng mất thời gian. Đọc cái nào khá hay không biết ngay ấy mà. Nhưng để phát hiện những tác phẩm ấy có ảnh hưởng từ những tác phẩm khác không thì mình phải đọc rất nhiều. Những trường hợp người viết “thuổng” của ai làm của mình, hoặc lấy ý tưởng của tác phẩm nổi tiếng nào đó nếu mình không phát hiện được là lỗi của mình. Người cầm cân nảy mực cần thận trọng vì thế.Theo tôi nghĩ, một người “cầm cân nảy mực” mà vô tư thì mọi thứ trở nên đơn giản, chỉ cần lồng thêm áp lực nào đó thì dễ xảy ra những cái mình không mong muốn.
Việc đọc có ảnh hưởng đến sức khỏe của anh không?
Nhà văn Dương Hướng: Đọc thì đỡ hơn, không phải nghĩ mệt như viết.
Anh đã thành công với đề tài chiến tranh. Anh có thể viết tiếp được không, hay đã cạn?
Nhà văn Dương Hướng: Ồ, đề tài chiến tranh vô cùng phong phú. Tôi đã có ý tưởng từ lâu, sau “Dưới chín tầng trời” tôi đã cất công thu thập tài liệu, khoảng dưới chục kg tài liệu, đã phải xin đi vào quân khu 5, nghỉ hàng tháng trời để lấy tài liệu. Tôi đã viết được 1/3 số trang cho ý tưởng của mình. Nhưng tôi đang viết thì bị bệnh tim mạch, phải đi cấp cứu ở bệnh viện, đặt stent ở trong tim, nên từ đó tôi không dám nghĩ sâu. Mà cái trò viết thì phải nghĩ sâu, làm tim mạch ảnh hưởng nên tôi mới “stop” lại.