Ngày 2/6, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky thay đổi cách nói thận trọng thường thấy để cáo buộc Trung Quốc hợp tác với Nga nhằm làm suy yếu hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ trong tháng này.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần qua, ông Zelensky cáo buộc Mátxcơva đang “làm mọi việc để cản trở hội nghị hòa bình” bằng cách “dùng ảnh hưởng của Trung Quốc và các nhà ngoại giao của Trung Quốc”.
“Không may là một quốc gia lớn, độc lập và mạnh như Trung Quốc lại trở thành công cụ của Nga”, ông Zelensky nói.
Phát biểu này gây tác động ở châu Âu, khiến Liên minh châu Âu (EU) càng muốn áp dụng quan điểm cứng rắn hơn với quan hệ giữa Trung Quốc và Nga.
Trong chuyến thăm Brussels tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Bắc Kinh đang giúp Nga khôi phục và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, chế tạo những vũ khí và khí tài đáng gờm để đưa ra chiến trường.
“Điều chúng tôi nhìn thấy từ Trung Quốc sang Nga không phải là hoạt động thất thường của một vài công ty đang hỗ trợ Nga. Đây là nỗ lực toàn diện kéo dài đang được lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ để trao cho Nga sự hỗ trợ cần thiết sau hậu trường”, ông Campbell nói.
Quan chức này cho rằng hành động của Trung Quốc không chỉ giúp Nga tăng cường năng lực trên chiến trường, mà còn “tạo ra thách thức chiến lược với những quốc gia khác ở châu Âu”.
Một quan chức cấp cao của EU tin rằng việc ông Zelensky đưa ra phát biểu mạnh mẽ sẽ dẫn đến thay đổi trong cách bày tỏ quan điểm của một số quốc gia EU, những nước trước đây thường tránh chỉ trích Bắc Kinh.
“Giờ thì găng tay đã được tháo ra”, vị quan chức nói.
Cuối tháng 5 vừa qua, các quan chức cấp cao từ châu Á gặp một nhóm quan chức EU ở Stockholm để thảo luận về Trung Quốc. Đồng thuận mà họ đạt được là châu Âu cần “buộc Trung Quốc phải trả giá cao hơn vì sự hỗ trợ dành cho Nga”, một nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Phát biểu của hai ông Campbell và Zelensky có thể sẽ khiến nhiều thành viên EU cứng rắn và quyết liệt hơn với Trung Quốc.
Điều này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với quan hệ EU – Trung Quốc.
Tuần tới, Hội đồng châu Âu sẽ thông báo tới các doanh nghiệp về mức thuế nhập khẩu áp với xe điện Trung Quốc, sau khi châu Âu điều tra việc Trung Quốc trợ cấp cho ngành này.
Nhiều người tin rằng bước đi này có thể gây ra chiến tranh thương mại kiểu ăn miếng trả miếng, sau khi Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố sẽ đáp trả.
“Cáo buộc nhằm vào Trung Quốc sẽ không thể đứng vững”, Wang Lutong, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở châu Âu, viết trên mạng xã hội X cuối tuần trước. Ông Wang tuyên bố Trung Quốc luôn sẵn sàng bảo vệ “các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc”.
Ngày 7/6, châu Âu sẽ bước vào cuộc bầu cử Nghị viện EU, sự kiện sẽ định hình lộ trình quan hệ với Bắc Kinh cho đến năm 2029.
“Các nước châu Âu lo ngại việc đối đầu với Trung Quốc, nhưng họ biết rằng phải bước vào một chu kỳ chính trị mới, trong đó các nghị sĩ sẽ phải bảo vệ ngành công nghiệp và việc làm ở châu Âu, nên không có cách nào để lảng tránh”, một nhà ngoại giao EU cho biết.
Theo nhà ngoại giao này, các nghị sĩ EU sẽ dùng bài phát biểu của ông Zelensky là một lý do để cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Dù Trung Quốc khẳng định quan điểm trung lập với cuộc xung đột Nga – Ukraine, châu Âu đang nhìn nhận Bắc Kinh đứng về phe Mátxcơva.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gạt bỏ cáo buộc Bắc Kinh đang ngăn các quốc gia khác tham gia hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ, khẳng định họ giữ quan điểm “công bằng và không thiên vị”. Trước đó, bà Mao xác nhận Trung Quốc sẽ không cử đoàn tham dự sự kiện ở Thụy Sĩ.