Sinh sống chủ yếu ở những khu rừng mưa của đảo Sumatra (Indonesia), hoa Xác Thối là một trong những bông hoa lớn nhất thế giới thực vật với kích thước có thể lên đến 3 mét (chiều dài). Tuy nhiên, “khổng lồ” lại không phải là siêu năng lực nổi bật nhất của bông hoa này, mà đó chính là khả năng khiến con người buồn nôn dù đứng cách xa hàng chục mét!
Theo đó, thay vì tập trung thu hút ong, bướm để giúp thụ phấn như nhiều loài hoa khác, loài côn trùng mà hoa Xác Thối muốn nhờ cậy lại là ruồi, muỗi. Do đó, loài hoa này sẽ tỏa ra hương thơm nồng nặc đúng như tên gọi của nó – “Xác Thối”, vốn là mùi hương ưa thích của những loài côn trùng mà nó muốn mời gọi!
Chỉ với dáng vẻ bên ngoài, chúng ta đã có thể dễ dàng nhận diện cây Vông Đồng là một loài thực vật nguy hiểm, bởi lớp thân của chúng chi chít những gai nhọn cỡ lớn. Chưa dừng lại ở đó loài cây bản địa của châu Mỹ này còn sở hữu một thứ vũ khí đáng gờm khác – vẫn thường được ví như một loại siêu năng lực – chính là loại quả “phát nổ”.
Quả của cây Vông Đồng có hình dáng như bí đỏ nhưng kích thước nhỏ hơn (chỉ bằng nắm tay). Sau khi đạt đến độ chín cần thiết, quả Vông Đồng có thể vỡ tung thành từng phần để phát tán hạt (có kèm theo tiếng nổ). Được biết, sức mạnh từ một vụ nổ như vậy có thể bắn hạt giống bay xa đến hơn 14 mét với tốc độ 70 mét/giây. Và đương nhiên những loài động vật “xui xẻo” nằm trong tầm bay của hạt hoàn toàn có thể bị thương.
Vachellia drepanolobium là một loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu. Loài cây này có một mối quan hệ cộng sinh rất chặt chẽ với loài kiến. Cụ thể, trên cành của Vachellia drepanolobium sẽ phát triển một số chiếc gai bất thường với phần cuống phình to và rỗng. Loài kiến sẽ tận dụng chính loại gai này để làm tổ bằng cách đục lỗ nhỏ trên đó.
Ngược lại về phía cây Vachellia drepanolobium, chiếc lỗ mà loài kiến đục đã giúp không khí có thể lọt vào khoang trống bên trong chiếc gai và tạo ra âm thanh như tiếng huýt sáo, giúp dọa những loài động vật gặm cành và lá cây đến gần.
Siêu năng lực của cây Nong Tằm chính là những chiếc lá nổi trên mặt nước có thể đỡ được cả một người trưởng thành của chúng. Bí mật của sức mạnh này chính là nằm ở kết cấu đặc biệt của lá Nong Tằm. Thông thường, lá của mỗi cây Nong Tằm sẽ có đường kính trên dưới 2,5 mét, nằm bên dưới mặt lá là một mạng lưới gân lá với kết cấu chịu lực và hơn hết là khả năng “bẫy” không khí, giúp cả chiếc lá khổng lồ có thể nổi dễ dàng trên mặt nước.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lý do khiến Nong Tằm phát triển những chiếc lá khổng lồ đến vậy là để nhanh chóng chiếm lĩnh diện tích mặt nước và ngăn các loài thực vật thủy sinh khác phát triển cạnh tranh môi trường sống với chúng. Theo ước tính, chỉ trong một mùa, từ mỗi cây Nong Tằm có thể mọc ra ra 40-50 chiếc lá khổng lồ, đây thực sự là một sức phát triển đáng kinh ngạc.