Sức trẻ nơi biên cương

TP - Ngược theo đường Vị Xuyên, Bắc Quang lên Hoàng Su Phì, Xín Mần - hai huyện vùng biên Hà Giang nổi danh với thửa ruộng bậc thang cao lưng chừng trời, những phong tục văn hóa lạ, làng bản đang thay đổi từng ngày, trong đó có đóng góp của đoàn viên, thanh niên.
Những người trẻ đang góp phần xóa đi nỗi đau hôn nhân cận huyết, tảo hôn ở rẻo cao. Ảnh: Trường Phong

Bài 1: Xóa nỗi đau ở Bản Phùng

Gần một năm nay, đoàn viên, thanh niên, cán bộ trẻ Bản Phùng (Hoàng Su Phì) tham gia vận động người dân đẩy lùi hôn nhân cận huyết, tảo hôn và góp phần xóa đi những ám ảnh về nỗi đau này.

Sau gần 4 giờ đồng hồ nghiêng ngả trên chiếc ô tô khách vượt hàng trăm cây số đường đèo dốc từ thành phố Hà Giang, chúng tôi đến thị trấn Vinh Quang, trung tâm huyện Hoàng Su Phì. Ấn tượng về chuyến xe khách miền vùng cao vẫn còn phảng phất. 


Chiếc xe 40 chỗ chật ních người với những trang phục đủ màu sắc và hàng hóa, nông sản từ gạo thóc, gà vịt đến mít, lê, xe máy. Rộn ràng trong khoảng không gian bé tẹo của chiếc xe là âm thanh của trẻ nhỏ khóc, người lớn nói chuyện bằng tiếng dân tộc, tiếng Kinh.

Dạo hết thị trấn Vinh Quang chỉ mất chừng hơn chục phút đi bộ. Giữa vẻ hoang sơ của núi rừng, Vinh Quang có cơ sở vật chất khá khang trang. Các ngả đường của thị trấn đều có thể gặp cửa hàng bán đồ điện tử, xe máy, cửa hiệu sửa chữa máy tính, laptop, quán nước vỉa hè, nhà nghỉ khách sạn có wifi… 

Quanh khu chợ trung tâm thị trấn không khí mua bán khá nhộn nhịp, lúc nào cũng có vài chục người, chủ yếu là nam thanh niên ngồi vạ vật chờ việc. “Chợ lao động ở Vinh Quang đấy. 

Thuê gì họ cũng làm. Từ vác xi măng, vận chuyển hàng hóa… đến mổ gà, mổ lợn, nấu thắng cố nữa”, một người bán hàng nước gần chợ cho biết. Vẻ trầm lắng chờ việc được khuấy động mỗi khi có xe khách dừng lại. 

Những bao tải hàng hóa từ trên xe chuyển xuống lập tức được những “người vận chuyển” này xốc lên gọn gẽ và phăm phăm vác vào chợ cho chủ hàng. Mỗi bao hàng nặng oằn vai được chục nghìn tiền công. 

9 giờ tối phố núi Vinh Quang dần trở nên yên tĩnh. Trục đường chính dần thưa người, chỉ còn vài cửa hàng, quán ăn nhà nghỉ sáng đèn. Sự tĩnh lặng của thị trấn khiến câu chuyện về nghèo khó, về hôn nhân cận huyết, tảo hôn thêm day dứt.

Những người đi xóa nỗi đau 

Từ trung tâm thị trấn, bằng xe máy, anh Đỗ Hà Văn, cán bộ Huyện Đoàn Hoàng Su Phì dẫn chúng tôi đi cơ sở. Mải chuyện trò và ngắm cảnh, Bản Phùng đã hiện ra trước mắt. 

Rồ hết ga, chiếc xe ì ạch trên con đường nhựa dẫn lên trung tâm xã Bản Phùng nằm trên đỉnh núi. Anh Văn kể, từng vào đây như cơm bữa để tham gia đoàn tuyên truyền phòng chống hôn nhân cận huyết và tảo hôn. “Đây là mô hình điểm của tỉnh, anh em làm tập trung và đạt kết quả rất tốt”, anh Văn giới thiệu. 

Vừa pha nước mời khách, Bí thư Đoàn xã Bản Phùng Long Đức Dương vừa bảo mới nộp báo cáo kết quả công tác ra huyện. “6 tháng đầu năm, Đoàn xã phối hợp với các đoàn thể đã vận động, ngăn cản thành công 5 trường hợp tảo hôn”, anh Dương nói. 

Phó Chủ tịch xã Hoàng Đức Hương – một thành viên trong dự án 600 trí thức trẻ về công tác tại xã cho biết, xã Bản Phùng có 3 dân tộc anh em Tày, Nùng, La Chí, trong đó, dân tộc La Chí chiếm phần đông với 422 hộ, hơn 2.500 khẩu. 

Không phải ngẫu nhiên Bản Phùng được chọn là mô hình điểm về tuyên truyền chống hôn nhân cận huyết và tảo hôn. Cầm tờ danh sách trên tay, anh Dương kể: “Hồi đầu năm 2013 riêng xã Bản Phùng có tới 25 cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết. 

Điều này đòi hỏi xã phải làm gì đó, vừa để người dân không vi phạm pháp luật, vừa để bảo tồn nòi giống người La Chí”.

Lại leo dốc, chúng tôi đến gia đình anh Long Chính Thanh – một trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Khi chúng tôi đến anh Thanh đi vắng.

Trong nhà, một bé trai dị tật ở mắt đang nghịch chậu nước giữa sàn nhà. Thỉnh thoảng, cậu bé lại vỗ tay, phun mưa… 

Đó là con anh Thanh tên A Phô - kết quả cuộc hôn nhân cận huyết đời thứ 2. Có khách đến thăm, bà nội Phô bế cháu lên, mặc cho chiếc quần.

Bà cho biết từ lúc sinh ra, bé đã không có mắt. Đến nay, dù đã 5 tuổi, Phô vẫn chậm nói và mọi sinh hoạt đều dựa vào bà nội, bố mẹ. Gặp phóng viên, anh Thanh buồn rầu: “Mình lấy vợ từ năm 2007, do bố mẹ sắp đặt hết. Lúc đó mới 18 tuổi, không biết gì”.

Vợ Thanh bằng tuổi, là con gái của người mà Thanh gọi bằng cô ruột. Sau khi lấy vợ, Thanh đi học, cũng hiểu ra vấn đề nhưng không biết làm thế nào. Đến khi con sinh ra bị dị tật, được cán bộ xã, cán bộ Đoàn giải thích, Thanh mới hay là vi phạm pháp luật và biết hậu quả của kết hôn cận huyết. Biết thế, nhưng vợ chồng Thanh vừa sinh thêm con thứ hai. “Bé mới được 5 tháng tuổi. May là không bị dị tật gì”, Thanh kể. 

Được sự động viên, khuyên bảo của các cán bộ xã, cán bộ Đoàn và thanh niên trong thôn, Thanh bảo sẽ nghe lời, không sinh thêm con nữa. 

“Hậu quả do mình gây ra thì mình phải chịu thôi. Giờ cũng không biết phải làm thế nào nữa. Nhưng mình nghe lời cán bộ, không sinh thêm con nữa”, Thanh nói. Thanh cũng nói, sẽ khuyên bảo em trai đang học lớp 12 không đi vào vết xe đổ của mình. 

Anh Dương, anh Hương cho biết, trường hợp đau lòng như bé Phô sẽ có sức nặng cảnh tỉnh những người còn có ý định cho con em họ hàng kết hôn với nhau. 

Theo anh Hương, nguyên nhân chủ yếu của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết chủ yếu do bà con thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật, vẫn tuân theo những hủ tục lạc hậu muốn người nhà gả cho nhau, đồng thời, kết hôn sớm để có thêm nhân công lao động. 

Nguyên nhân nữa là do cộng đồng làng xã trải dài trên địa hình núi cao hiểm trở, nam nữ thanh niên các làng, bản khác nhau khó có cơ hội gặp gỡ. Về các biện pháp tuyên truyền, anh Hương bảo, cùng với việc tuyên truyền ở các phiên chợ, các lễ hội, đoàn công tác cũng phải đến từng hộ gia đình, nói chuyện về các tác hại của kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống.

(còn nữa) 

Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. 

Theo các chuyên gia y tế và sinh học, con cái của những cặp hôn nhân cận huyết có nguy cơ mắc các bệnh tật di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, còi cọc, down hoặc kém phát triển về trí não... Nguy cơ mắc các bệnh này của những đứa trẻ có cha mẹ cận huyết thống cao gấp 10 lần so với những đứa trẻ khác.

Bài 2: Trong câu chuyện với những người già ở Bản Phùng cho chúng ta biết những nét độc đáo mới lạ của người La Chí… sừng trâu cùng những phong tục cưới hỏi lạ thường… 

Đón đọc: Chuyện tình yêu của người La Chí