Sức lay động mãnh liệt của 'Chuyện tình'

TP - Sau khi chinh phục Cành cọ vàng ở Cannes hồi tháng 5, Amour (Chuyện tình) tiếp tục khẳng định giá trị qua các giải thưởng ở châu Âu vừa rồi, đặc biệt phim vừa được tạp chí Time bình chọn là Phim hay nhất năm 2012.

> Bế mạc LHP Quốc tế: 'Bị còng tay' bất ngờ thắng
> HANIFF 2012 - Liên hoan phim của người trẻ

Còn nhớ, trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội 2, Amour khiến hàng chục khán giả sẵn sàng ngồi sàn xem phim. Không phải sự thu hút của bom tấn hay phim có cảnh nóng, đơn giản đây là tác phẩm nghệ thuật đích thực và mang lại nhiều cảm xúc.

Amour là chuyện tình, là tình yêu. Nhưng bên cạnh cảm giác ngọt ngào từ ngữ khơi lên, bộ phim của đạo diễn Michael Haneke hòa trộn đau đớn, cay đắng về tình yêu và kết thúc của con người. Georges (Jean-Louis Trintignant) và Anne (Emmanuelle Riva) vốn là hai giáo viên dạy nhạc nghỉ hưu, buộc phải chấm dứt chuỗi ngày thanh bình khi Anne bị tai biến.

Người xem phải kính phục tài năng bậc thầy của Haneke, khi ông tạo ra không khí lạnh, buồn, tĩnh không thể hoàn hảo hơn cho bộ phim.

Không gian bó hẹp trong căn nhà chung cư giữa thủ đô Paris. Hầu hết cảnh quay của phim diễn ra trong nhà, chuyển động khung hình chậm rãi rất hợp với không khí phim về tuổi già.

Nhất là về tuổi già bệnh tật, ốm yếu đang đi gần tới phút cuối, được Michael Haneke đặc tả qua cách đặt máy quay chết, khung hình tĩnh để mặc nhân vật bước vào rồi bước ra.

Có thể không gian ấy, những khoảng lặng do tiết kiệm nhạc đến tối đa khiến nhiều người thực sự mệt. Nhưng vượt lên trên hết, người xem dễ bị cuốn vào tình yêu tuyệt vời của đôi vợ chồng già.

Đạo diễn vô cùng tinh tế để Georges trải qua diễn biến tâm lí phức tạp: Từ sự bối rối không biết phải đối mặt với bi kịch vợ bị liệt ra sao, đến sự chăm sóc tỉ mỉ đầy tình yêu và kiên trì sau này.

Một ông già vốn được vợ chăm sóc, nay chấp nhận không để vợ vào bệnh viện hay một trại dưỡng lão nào đó, kiên trì bón cơm, dìu vợ lên xe lăn, hay đưa vào nhà vệ sinh.

Trong vô số những tình cảnh éo le ấy, đạo diễn vẫn tìm ra hình ảnh đầy chất thơ-cảnh hai vợ chồng dìu nhau từ xe lăn lên ghế sofa được thể hiện thành một điệu valse rất chậm.

Chủ đề về sự kết thúc của con người mà đạo diễn Michael Haneke muốn nhắm đến, được thể hiện rất hiện thực, đẹp và day dứt. Chính đạo diễn cũng từng nói, ông muốn khán giả tự làm đầy những khuôn hình bằng trải nghiệm riêng, vì câu chuyện phim rất gần gũi với đời thực.

Ý thức mình trở thành gánh nặng cho chồng, bà Anne không dưới hai lần muốn tìm đến sự giải thoát. Còn ông Georges lại rơi vào bi kịch khác, vừa quá yêu đến mức không muốn mất người bạn đời, lại có những lúc chạm tới ngưỡng của sự chịu đựng đầy dằn vặt khi nhìn vợ chết mòn từng ngày.

Những tưởng ông chấp nhận đến cùng, nhưng đột ngột khiến người xem bị sốc, ám ảnh: Vào thời điểm không ai nghĩ đến nhất, Georges can đảm để người vợ rời xa mình theo một cách đau đớn, cay nghiệt.

Ngoài danh hiệu Phim hay nhất năm 2012, Time sẵn sàng tôn vinh diễn xuất của cặp diễn viên gạo cội Jean-Louis Trintignant và Emmanuelle Riva xuất sắc của năm.

Diễn biến phim chậm, ít biến cố thì diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên quyết định khá lớn thành công của Amour. Tất nhiên nhân vật rất gần với cặp diễn viên ngoài 80 tuổi này, nhưng không thể phủ nhận sự hóa thân đến tận cùng của Emmanuelle Riva- từ một người già, bị liệt, rồi đột quỵ lần thứ hai đến mức miệng khó nhọc lắm chỉ phát ra những từ rời rạc khó hiểu, và cả sự làm nũng như đứa trẻ khi người ta quay dần về cát bụi.

Còn Jean có thể khiến khán giả rơi nước mắt. Khi nhìn vào đôi mắt đầy ám ảnh của người đàn ông này, người ta thấy ăm ắp băn khoăn, sự cô đơn, đau khổ và đôi lúc là hạnh phúc.

Amour vừa thắng lớn tại Giải thưởng điện ảnh Châu Âu lần thứ 25: Phim châu Âu hay nhất, đạo diễn xuất sắc và Nam, nữ diễn viên chính xuất sắc. Nhiều nhà phê bình nghĩ tới khả năng Amour đoạt Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc sắp tới.

Theo Báo giấy