Giá trị nổi bật
Quy hoạch gồm ba sản phẩm: Quy hoạch phân khu di tích thành Cổ Loa, Đề án bảo tồn khu di tích thành Cổ Loa, Xây dựng quy chế quản lý đầu tư xây dựng và quản lý thành Cổ Loa.
TS Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ), người tham gia khảo cổ tại di tích này nhiều năm nay cho biết, tài liệu gần đây khẳng định thành Cổ Loa do vua An Dương Vương đắp thế kỷ 3-2 trước CN. “Nghiên cứu kỹ thuật đắp thành, quy mô và hình dáng của thành thấy rằng đó là truyền thống đắp thành của người Việt, rất khác với kỹ thuật, những quy định của nhà Hán. Tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, bảo vệ nhà vua và hoàng gia, vừa là căn cứ phòng thủ chắc chắn và lợi hại. Đồng thời rất thuận tiện cho vận động tác chiến trên bộ lẫn đường thủy. Do đó, thành Cổ Loa còn là một quân thành” TS Hiệp nói.
Các chuyên gia đánh giá: Giá trị nhất của Cổ Loa là kinh đô cổ nhất khu vực Đông Nam Á, có truyền thống xây dựng triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên có sẵn ở khu vực để đắp thành, đào hào. Sông được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoại, cung cấp nước cho cả hệ thống hào của tòa thành. Về văn hóa, Cổ Loa là di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.
Hấp dẫn
Với những tư liệu thu được từ khảo cổ học cho đến thời điểm này, các nhà khảo cổ nghĩ có thể phục dựng trên 70% di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Cụ thể, thời gian tới có thể lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của khu di tích Cổ Loa còn để lại những di tích tiêu biểu và đặc trưng duy nhất của thành như: ba vòng thành, hào, hỏa hồi, giếng Ngọc, đền thờ An Dương Vương... để nghiên cứu, phục hồi, trên cơ sở khoa học đó giúp du khách trong và ngoài nước nhận diện toàn bộ khu di tích.
Từ đây đến 2020, các nhà khảo cổ lần lượt khai quật các điểm như lũy phía tây nam thành Ngoại, thành Trung, Ụ Hỏa hồi phía tây nam thành Nội, hào thành Ngoại. Đây là khu vực còn giữ được những dấu vết rõ ràng nhất về “thành-hào-hỏa hồi” và gần đền thờ An Dương Vương, gần giếng Ngọc gắn liền với nhiều truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy, gần sân lễ hội. Tiếp đến là các khu vực Mả Tre, bãi Mẻo, bãi Vườn San, bãi Ra, đầm Vân Trì để làm sáng tỏ những giá trị về lịch sử, văn hóa của di tích.
Ngoài giá trị cần bảo tồn, hướng quy hoạch Cổ Loa thành công viên lịch sử có thể mở ra cơ hội phát triển du lịch với giá trị riêng, lâu nay chưa phát huy được. “Về khảo cổ học, thành cổ và những câu chuyện liên quan An Dương Vương, các huyền thoại chính là điều lý thú của di tích. Mặt mạnh của Cổ Loa so với các di tích khác ở chỗ, nó là di tích cổ, thành cổ bậc nhất Đông Nam Á. Dù không còn nhiều nhưng Cổ Loa vẫn giữ được hệ thống thành. Đây là địa điểm lịch sử rất hay, chúng ta làm quá chậm nhưng còn hơn không”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản nói.
Câu chuyện An Dương Vương xây thành, Mỵ Châu Trọng Thủy là chất liệu hay, nhưng PGS.TS Huy nêu quan điểm Cổ Loa là huyền tích, không nên hiện thực hóa. Ông cho rằng những gì còn lại phải bảo lưu, chỗ nào bị phá mà đủ cơ sở phải phục hồi, còn những gì quá xa xưa hãy giữ như di tích khảo cổ học, và quan trọng là không làm biến dạng thành. “Câu chuyện của Cổ Loa nhiều chất liệu hay, nhưng thể hiện bằng phương thức gì cho thích hợp lại là vấn đề. Chắc không thể sử dụng tư duy trình diễn. Tôi cho rằng câu chuyện này phải kể bằng khoa học kỹ thuật, hệ thống 3D, phim 3D, hệ thống tạo ra kịch bản đối thoại, nhưng phải vừa thật vừa ảo để không mất thi vị”, ông Huy nói.
Ông lấy dẫn chứng, vùng Quebec (Canada) có thành cổ xưa kia xảy ra trận chiến giữa quân Anh và Pháp. Thành đó bị lãng quên cho tới năm 1980 mới được phục hồi, trở thành di sản thế giới, điểm thu hút du khách. Họ kể lại câu chuyện trận chiến nhờ hệ thống 3D. “Kịch bản của câu chuyện đó rất hay. Nông dân nghĩ lại câu chuyện về trận đánh đó, có đối thoại giữa hai ông tướng người Pháp và Anh. Kết cục cả hai cùng chết, cái chết đó tạo ra đất nước Canada”, PGS.TS Huy nói.
May mắn là trong quy hoạch mới này, các chuyên gia trong ngoài nước đưa ra quan điểm tư vấn, đề xuất nhiều giải pháp. Đặc biệt, nếu trước đây ba vòng thành, hào lu mờ nay sẽ được làm rõ cấu trúc, trở nên nổi trội và kết nối với các di tích vật thể. Đây cũng là điều cốt yếu để khai thác du lịch trong tương lai.
Tránh bài học làng cổ Đường Lâm
Quy hoạch di tích Cổ Loa đưa ra những giải pháp để hài hòa mối quan hệ người dân sống trong di tích, tránh bài học như làng cổ Đường Lâm. TS Trịnh Hoàng Hiệp nói rằng không nên di dời toàn bộ dân cư khỏi di tích, mà chỉ di dời ở những vị trí cụ thể đặc biệt quan trọng. “Làm sao để người dân vẫn sinh sống ở di tích mà được hưởng lợi từ di tích mới quan trọng”, TS Hiệp nói. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng, người dân ở trong di tích tạo sự sống động. “Tách con người ra khỏi di tích sẽ không còn cuộc sống gắn với nó cả ngàn năm. Tách người dân khỏi di tích không còn di tích mà chỉ là bãi khảo cổ”, ông nói.