Sửa luật thủ đô: Cơ hội của những 'thành phố ngầm' trong lòng Hà Nội

TP - Khai thác tối đa không gian ngầm, thực hiện mô hình giao thông dẫn dắt để tạo ra những khu đô thị hiện đại, những “thành phố ngầm” trong tương lai, là những điểm mới trong lần sửa đổi Luật Thủ đô cũng như quy hoạch Thủ đô. GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong về vấn đề này.

“Thành phố ngầm” trong lòng thành phố

Dự án Luật Thủ đô sửa đổi cũng như trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đều đặt ra vấn đề khai thác không gian ngầm, để tạo thành những khu đô thị sầm uất, hiện đại. Ông đánh giá gì về tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của Thủ đô trong tương lai?

Với không gian ngầm, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đang quy định không giới hạn trong phạm vi xây dựng công trình. Tức là ở khu nhà này, không gian ngầm có thể mở rộng ra xung quanh mà không bị giới hạn, từ đó sẽ tạo thành những “thành phố ngầm” trong lòng thành phố. Tôi rất kỳ vọng vào việc khai thác không gian ngầm của Thủ đô trong tương lai.

Hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó rồi. Tương tự trong đô thị trung tâm của thành phố, sau này cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công…bắt buộc phải cải tạo như thế, biến khu vực đó thành một thành phố ngầm trong tương lai. Có như vậy không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. Thành phố hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân.

“Mô hình đô thị TOD chính là những đô thị có đường sắt giao thông đi đến, gọi là giao thông dẫn dắt. Những nơi đó thường được gọi là “đô thị 15 phút”. Tức là đi xung quanh khu đô thị đó, từ đến trường học, tới khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, hay khu làm đẹp, rèn luyện sức khỏe…việc đi lại sẽ không quá 15 phút”. GS. Hoàng Văn Cường

Những thành phố ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, sẽ rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm... Qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống và chẳng ai dại lại đi ở những khu lụp xụp, thiếu thốn mọi thứ làm gì cả.

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đang đưa ra đề xuất giới hạn sử dụng không gian ngầm với độ sâu 15 mét. Ông thấy sao về đề xuất này?

Về việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, theo tôi cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực. Ví dụ, ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình, nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác. Còn ở những nơi có công trình quốc phòng an ninh thì phải quy định khác. Do vậy, độ sâu thế nào, bao nhiêu mét, phải được căn cứ theo khu vực và Chính phủ nên có nghị định quy định chi tiết, như thế sẽ phù hợp hơn. Còn nếu áp đồng loạt độ sâu 15 mét sẽ không ổn.

“Đô thị 15 phút”

Một điểm mới khác được đưa ra khi sửa luật lần này là Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Ông thấy sao về mô hình này, liệu có giải quyết được vấn đề bức xúc lâu nay của Hà Nội?

Mô hình đô thị TOD được dự thảo luật đưa ra chính là những đô thị có đường sắt giao thông đi đến Những nơi đó thường được gọi là “đô thị 15 phút”. Tức là đi xung quanh khu đô thị đó, từ đi đến trường học, tới khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, hay khu làm đẹp, rèn luyện sức khỏe… đều mất không quá 15 phút.

Muốn có được mô hình đô thị như vậy thì dân số phải đông, từ đó sẽ tập trung rất nhiều các loại hình dịch vụ dưới thành phố ngầm. Như vậy phải hình thành nên những tòa nhà chọc trời và mô hình TOD đưa ra để giải quyết được những vấn đề đó. Giao thông thuận tiện, dịch vụ hiện đại, chắc chắn sẽ thu hút người dân vào sinh sống.

Hà Nội đang có cơ hội khai thác không gian ngầm để phát triển Ảnh minh hoạ

Lâu nay, quy hoạch cứ từ cái con con, nhỏ nhỏ mà không đặt ra những mô hình hiện đại. Việc sửa đổi luật lần này phải nêu rõ mô hình văn minh, hiện đại ra sao, không gian ngầm như thế nào, khu vực này tập trung dân số bao nhiêu thì giao thông phải như thế nào… Khi đã được quy định trong luật rồi thì quy hoạch bắt buộc phải làm theo. Đó là lý do cần phải luật hóa những quy định này.

Đền bù, thu hồi đất phát triển dự án luôn là vấn đề nóng bỏng, bức xúc, đặc biệt tại các thành phố lớn. Quy định mới về tỷ lệ người dân đồng tình có giải quyết được tình trạng này không, thưa ông?

Chúng ta đều biết, trước đây để thu hồi được thì phải có sự đồng ý của 100% người dân thuộc diện bị ảnh hưởng. Điều đó dẫn đến tình trạng, chỉ cần một người không đồng tình thôi, là tất cả các hộ dân còn lại đều phải chịu chung. Chẳng hạn như nhà chung cư cũ, nếu chỉ một người ở tầng một không đồng tình, thì dù cũ nát cũng rất khó để phá đi xây lại được.

Thay vì 100% như lâu nay, bây giờ quy định chỉ cần 2/3 người dân đồng tình thì sẽ thu hồi được. Đô thị Hà Nội phải có đặc điểm như thế và tôi cho rằng đó là việc rất cần thiết. Nếu không quy định cụ thể như vậy sẽ không thể cải tạo được đô thị. Cần nhấn mạnh rằng, đây là những dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, chứ không phải lấy đất nông nghiệp của dân để thực hiện các dự án.

Cảm ơn ông !