Sửa Luật để bám sát thực tiễn cuộc sống
Tại buổi đối thoại, nhiều bạn trẻ thẳng thắn thừa nhận không biết gì về Luật Thanh niên. Bạn Nguyễn Thị Thanh Hoài (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) thẳng thắn: “Khi trở thành sinh viên Học viện Thanh thiếu niên tôi mới biết đến Luật Thanh niên và đã ra đời hơn 10 năm. Thanh niên mà không biết luật của mình thì làm được gì”.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng thanh niên và tác động của các nhóm chính sách quy định tại Luật Thanh niên năm 2005 đối với sự phát triển thanh niên, phần đông các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi Luật Thanh niên là cần thiết và nên sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Thanh niên 2005, để xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi bám sát với thực tiễn cuộc sống.
“Bộ Nội vụ và T.Ư Đoàn sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thanh niên, từ đây sẽ sớm đúc kết để xây dựng dự án Luật Thanh niên sửa đổi để trình Quốc hội trong năm 2018”.
Anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn
TS Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, thanh niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong lịch sử phát triển nhân khẩu của đất nước. Vì vậy, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và phát huy tiềm lực của đất nước. Tuy nhiên, công tác giáo dục vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển toàn diện năng lực bản thân của thanh niên, đặc biệt là trong đào tạo về kỹ năng sống, kỹ năng mềm để thanh niên có thể phát triển độc lập.
Theo TS Minh, có sự khác biệt về trình độ học vấn giữa các vùng miền. Tỷ lệ thanh niên ngừng đi học ở tuổi 13-15 còn cao, nhất là vùng khó khăn, đồng bào dân tộc. Về lao động việc làm có sự mất cân bằng về phân luồng lao động, thiếu nguồn lao động chất lượng cao; sự chuyển dịch cơ cấu lao động chưa kịp thời giữa các khu vực trong khi dân số không ngừng gia tăng. Sức khỏe thể lực của thanh niên Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ nạo phá thai trong thanh niên nữ chưa có chồng còn ở mức cao…
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho thanh niên
Các đại biểu đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, định hướng xây dựng các nhóm chính sách phát triển thanh niên Việt Nam trong thời gian tới theo 11 nhóm vấn đề: Học tập và hoạt động khoa học công nghệ; lao động, giải quyết việc làm; Bảo vệ Tổ quốc; Hoạt động văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí; Bảo vệ sức khoẻ và hoạt động thể dục thể thao; Hôn nhân và gia đình; Tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; Bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số...
TS Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Kế hoạch - Tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng cần đẩy nhanh việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005. Cùng đó, cần có sự điều chỉnh về mục đích, phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật Thanh niên. “Cần xác định rõ, mục đích của việc ban hành luật này nhằm tạo môi trường thể chế, hành lang pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh, ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Do đó, không nên hiểu luật này dùng để ràng buộc trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy được năng lực, trí tuệ, khát vọng của tuổi trẻ để vươn lên trong cuộc sống”, TS Dương Quang Tung nói.
TS Đặng Xuân Phương, Phó Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện các chính sách đối với thanh niên trong tình hình mới có 2 yêu cầu: Tiếp tục hoàn thiện nội dung các chính sách cơ bản đối với thanh niên trong Luật Thanh niên năm 2005; bổ sung, hoàn thiện các chính sách mới, cụ thể hơn nữa đối với một số nhóm thanh niên đặc thù để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình kinh tế - xã hội có những biến đổi lớn.
Theo TS Phương, cần tiếp tục luật hóa những quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. “Trong quá trình sửa đổi Luật Thanh niên, cần làm rõ hơn những đặc thù về phạm vi quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của thanh niên so với các lớp người khác trong xã hội, để thanh niên hiểu rõ hơn và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, TS Phương nói.
Anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam khẳng định, thanh niên là một đối tượng đặc thù, chính sách về thanh niên phải xoay quanh việc bồi dưỡng, phát huy thanh niên, trong đó quan tâm tạo điều kiện thanh niên được học tập, lao động, sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. Trong tên gọi của luật hoặc chính sách liên quan đến thanh niên có thể có cụm từ “phát triển” hoặc không, nhưng ý nghĩa tích hợp vẫn là vì thanh niên, gắn với mục đích phát triển thanh niên và là chính sách của thanh niên, do thanh niên xây dựng nên.