Sửa luật để 'cởi trói' tối đa cho doanh nghiệp

TP - Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp (DN) không cần đăng ký vẫn được kinh doanh, miễn là ngành, nghề đó pháp luật không cấm.
Dự thảo Luật DN nêu rõ: Sẽ cách chức Tổng GĐ DNNN nếu không hoàn thành mục tiêu kinh doanh (ảnh nhà máy đóng tàu Vinashin). Ảnh: Đình Thắng

Được làm điều luật không cấm

Dự thảo Luật DN - sửa đổi (đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến), có nhiều thay đổi với luật hiện hành, nhiều người ví như được làm mới theo hướng thông thoáng hơn. Trong đó, đáng chú ý là trao cho DN quyền tự chủ đăng ký và không cần đăng ký vẫn được kinh doanh các ngành, nghề pháp luật không cấm (trừ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện). 

Nếu thay đổi ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, DN chỉ cần thông báo tới cơ quan quản lý kinh doanh (thay vì phải đăng ký bổ sung ngành nghề, được cơ quan quản lý đồng ý mới cho làm như trước đây).

Bên lề Hội thảo Hoàn thiện Dự thảo Luật DN (sửa đổi), sáng 10/4, TS Nguyễn Đình Cung (quyền Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ban soạn thảo Dự Luật trên) phân tích: Luật hiện tại quy định, nếu DN đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh bắt buộc phải hoạt động (theo đăng ký); nếu mở rộng ngành, nghề phải đăng ký bổ sung và được cơ quan quản lý chấp thuận mới được làm.

Quy định này gây lãng phí cho cả DN và cơ quan quản lý (mỗi lần thay đổi, bổ sung ngành, nghề DN phải mất phí và thời gian).

Không chỉ vậy, quy định trên còn gây rủi ro về mặt pháp lý với DN trong hoạt động kinh doanh bình thường. Chẳng hạn, tranh chấp xảy ra với hợp đồng đã ký, lĩnh vực trong hợp đồng không nằm trong phạm vi được hiểu là DN đã đăng ký, tòa án có thể tuyên hợp đồng vô hiệu. 

“Dự luật không yêu cầu DN phải đăng ký ngành, nghề trong đăng ký kinh doanh. DN có thể kinh doanh bất kể ngành, nghề nào pháp luật không cấm”.

TS Nguyễn Đình Cung

Ngoài ra, DN có thể bị xử phạt hành chính vì kinh doanh không đăng ký; cao hơn nữa có thể bị khởi tố hình sự vì kinh doanh trái phép (sai giấy phép). “Vì vậy, Dự Luật lần này không yêu cầu DN phải đăng ký ngành, nghề trong đăng ký kinh doanh. DN có thể kinh doanh bất kể ngành, nghề nào pháp luật không cấm, đúng tinh thần của Hiến pháp”, TS Cung nói.

Đồng thời, dự luật cũng tách biệt việc đăng ký thành lập DN với việc xin giấy phép kinh doanh. Như vậy, nhà đầu tư có thể thành lập DN trước, sau đó mới lựa chọn ngành, nghề kinh doanh. Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không ghi ngành, nghề kinh doanh của DN (trừ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).

Luật sư Đinh Nhật Quang, đoàn luật sư Nghệ An cho rằng, thay đổi trên là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, cần có danh sách chi tiết ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để DN biết và thực hiện. “Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý và nhà đầu tư tránh rủi ro và sai lầm đáng tiếc trong việc đăng ký kinh doanh, như trường hợp DN nuôi gián đất tại Bắc Ninh xảy ra gần đây (cơ quan chức năng cấp phép cho nuôi gián, nhưng sau đó cơ quan khác lại tiêu hủy)”, luật sư Quang nói.

“Thất bại là trách nhiệm tập thể”

Dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần này cũng bổ sung thêm quy định công khai, minh bạch thông tin với các DN nhà nước (DNNN). Theo đó, DNNN sẽ phải công bố thông tin định kỳ hoặc bất thường trên cổng thông tin của DN, cơ quan chủ quản, phương tiện thông tin đại chúng…

Nói về thay đổi này, TS Nguyễn Đình Cung cho hay, đang có nhiều áp lực với cơ quan quản lý DNNN; đặc biệt sau những vụ việc liên quan tới Vinashin, Vinalines. Vì vậy, yêu cầu phải có một chương quy định về loại hình DN này. Theo ông Cung, hiện vai trò, vị trí, mục tiêu tồn tại của DNNN đang ít được thảo luận tới; cũng chưa được quy định bằng luật mà bằng các nghị quyết của Đảng. 

“Ở ta không nhìn tổng thể, mà riêng lẻ từng DN. Do đó cùng một DN lại được giao quyền chủ sở hữu cho rất nhiều cơ quan tách biệt nhau; mỗi cơ quan quản lý vài chức năng. Cuối cùng xảy ra tình trạng thành công tất cả cùng vỗ tay, thất bại không ai chịu trách nhiệm”, TS Cung nói. 

Do đó, mỗi bộ, ngành làm cả 3 chức năng: Quản lý, thực hiện chính sách và quyền chủ sở hữu. Điều đó gây nhiều xung đột giữa chức năng chủ sở hữu và quản lý nhà nước. Biết vậy, nhưng theo ông Cung, vẫn chưa có một cơ quan chuyên biệt được lập làm chủ sở hữu các DNNN, nên vấn đề “3 trong 1” kể trên sẽ chưa giải quyết được trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế cũng khiến giám sát hoạt động DNNN khó khăn, dù mỗi năm DNNN có tới khoảng 23 loại báo cáo khác nhau gửi các cơ quan chủ sở hữu. 

“Thậm chí DN cũng không phân biệt được ai là chủ sở hữu, ai là quản lý. Vì vậy, các báo cáo được họ gửi cho tất cả các cơ quan. Khi nhận được báo cáo, chính các bộ, ngành cũng không có bộ phận chuyên trách, nên tùy nội dung báo cáo lại gửi các cục, vụ khác nhau. Cuối cùng, DN vất vả báo cáo nhiều, tốn kém, nhiều thông tin nhưng chủ sở hữu vẫn không nắm được hoạt động của DN”, TS Cung nhìn nhận.

Vị chuyên gia này cũng chỉ thêm bất cập trong quản lý DNNN, khi mới thực hiện một dự án, có thanh tra nhưng không phát hiện ra vấn đề. Nhưng khi thất bại, thanh tra là ra vấn đề, rồi quy kết lãnh đạo thiếu trách nhiệm… 

“Vì thế, giờ lãnh đạo DNNN trước khi quyết định thường tham vấn, hỏi ý kiến tập thể, hội đồng thành viên… Từ đó có tình trạng một quyết định nhiều người ký, thành công cùng hưởng, thất bại là trách nhiệm tập thể”, ông Cung nói.

Dù dự luật đã bổ sung những quy định rõ ràng hơn về DNNN, tuy nhiên, theo TS Cung, bước tiến lớn nhất là: “DNNN phải công bố thông tin công khai, minh bạch. Từ đó tăng giám sát nội bộ”.

Dự thảo Luật DN sửa đổi quy định, nếu DNNN không bảo toàn được vốn, không hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh hằng năm… sẽ cách chức, bãi nhiệm đối với tổng giám đốc (giám đốc) và các cán bộ quản lý chủ chốt khác.