Sự thật thầy mo có “bùa công danh” ở xứ Thanh

Chuyến công tác về miền tây Thanh Hóa, tình cờ chúng tôi nghe câu chuyện của một vị khách đồng hành đang gặp trắc trở trong sự nghiệp.
"Thầy" Định đang làm bùa.

Ông lặn lội quãng đường dài gần 250 km từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ để xin lá bùa kỳ lạ có tên “bùa thăng tiến công danh” của ông thầy Mo tên Định tận rừng sâu núi thẳm.

Dù cũng đã từng nghe xứ sở phía tây nơi biên giới Việt - Lào nổi tiếng bởi những thầy mo, thầy cúng có khả năng yểm bùa, làm phép thần thông. Thế nhưng, lần đầu tiên biết có sự tồn tại của lá bùa độc nhất vô nhị này khiến chúng tôi không khỏi tò mò và quyết tâm tìm hiểu thực hư.

Chiêu moi tiền của người nhà thầy mo

Trong vai sinh viên thất nghiệp, người viết ngược đường về bản Lót Xã Tam Văn, huyện Lang Chánh Thanh Hóa để xin lá bùa kỳ lạ này. Bản Lót khá heo hút chỉ lưa thưa vài nóc nhà lụp xụp nơi bìa rừng cạnh con sông âm đục ngầu đang mùa nước lũ.

Hỏi đường về nhà thầy mo Ngân Văn Định, người dân bản hiền lành tốt bụng đều tận tình chỉ dẫn và không quên kèm theo câu thúc giục: “Cô chú cứ gửi xe ở đây, men theo sông vào trong rừng là tới. Nhanh lên không thì còn lâu mới đến lượt”.

Dựng gọn chiếc xe cà tàng của mình vào góc, nhường chỗ cho những chiếc xe hơi sang trọng với các biển số tứ quý khắp miền, chúng tôi vội theo chân những ông “bụng phệ” chủ của những “con” siêu xe mon men theo hướng nhà ông “bùa công danh”.

Ngôi nhà sàn nhỏ của ông thầy có bài bùa kỳ lạ này nằm biệt lập, sâu tít tắp trong rừng già ẩm thấp âm u của bản Lót. Từ những cây cổ thụ xung quanh ngôi nhà của thầy mo Định dán chằng chịt đủ các loại cờ, giấy bản, cây nêu cùng những hình thù kì quái khó hiểu.

Dị hơn, xung quanh các cột nhà treo đủ thứ từ đầu trâu, đuôi cáo đến dao nhọn khiến người khác có cảm giác rợn rợn, lạnh sống lưng mỗi khi bước vào.

Gian nhà ngoài có đến hơn chục người đang ngồi chờ đợi, chất Mường, giọng Thái, tiếng Kinh thì thầm hỏi han bàn tán mỗi khi có người từ trong căn buồng tối đi ra với vẻ mặt vui mừng. Kẻ đứng, người ngồi nhốn nháo sốt ruột đợi đến lượt mình vào trong buồng để được diện kiến xin bùa.

Thấy có người mới đến nhà, người phụ nữ đứng tuổi, nhuộm răng đen kịt, mặc bộ váy Thái cũ đang ngồi to nhỏ chỗ đám đông liền đon đả ra chào hỏi.

Bà tự xưng là Vợ ông mo Định. Biết được ý định của chúng tôi, bà chép miệng dịu giọng tỏ vẻ thông cảm: “Cô chú đến muộn thế này làm sao mà kịp lượt, thôi để hôm khác lại đến”. Tôi ra vẻ sầu não, túm lấy tay bà năn nỉ: “Cháu ở xa quá, xin bà giúp cháu với. Năm nay năm tuổi, không xin được việc thì cháu không còn cơ hội nào nữa”.

Những vật dụng mà thầy Ngân Văn Định dùng để "chế" bùa

Nghe xong những lời thống thiết ấy, vợ thầy mo Định mặt vẫn lạnh tanh bảo: “Còn đầy người kia kìa, họ đợi từ mấy hôm nay rồi”, bà khinh khỉnh quay đi chỗ khác.

Nhanh ý, cô bạn người bản địa đi cùng tôi vội vàng kéo tay bà ta ra góc khuất ngôi nhà thì thầm to nhỏ mấy câu tiếng Thái: “Bà châm chước cho bạn cháu”, rồi vội dúi vào tay vợ ông thầy bùa tờ 50 nghìn.

Vội vàng dắt tiền vào cạp váy, sắc mặt thay đổi, bà hớn hở dẫn chúng tôi lên phía trước cửa buồng, ra hiệu ngồi xuống. Bà nói nhỏ vào tai tôi: “Thấy người ta ra thì chú vào luôn nhé”.

Rồi bà ngồi bên cạnh thao thao bất tuyệt quảng cáo về biệt tài có một không hai của ông chồng và công hiệu của “bùa thăng tiến công danh”.

Theo vợ ông thầy mo này thì thông thường những người tìm đến chồng bà để xin bùa công danh thuộc 3 trường hợp: từ sinh viên mới ra trường chưa tìm được việc làm ổn định, người đã có việc làm ổn định nhưng khó thăng quan tiến chức hoặc người đương nhiệm gặp trắc trở ảnh hưởng lớn đến công danh sự nghiệp.

Chồng bà là ông thầy cao tay nhất ở địa phương bởi ông học nghề từ nhiều thầy mo nổi tiếng ở tận Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hoá) thậm chí sang cả nước bạn Lào.

“Điều đặc biệt hơn nữa là từ bắc chí nam ông là người độc nhất có khả năng giúp người khác xin được việc, thăng tiến đường công danh nhờ vào khả năng yểm bùa, làm phép”, vợ ông thầy bùa ba hoa về tài thánh của chồng.

Bà còn mạnh mồm khẳng định: “Mặc dù chỉ mới 54 tuổi nhưng ông đã có gần 20 năm hành nghề, đến nay tiếng tăm của ông đã nổi như cồn. Ngày nào nhà cũng có người kéo đến xin bùa, ít cũng đến cả chục người. Thậm chí còn có nhiều người tận thành phố Thanh Hóa, Hà Nội, thành phố HCM, Tây Nguyên cũng tìm đến nhờ ông giúp đỡ.

Bởi người xin việc và giúp nhiều người thăng tiến trên con đường công danh sự nghiệp nên ông được người ta trả ơn hậu hĩnh đến cả chục triệu đồng và những chuyến du lịch vào tận Sài Gòn, Tây Nguyên xa xôi. Người thì kết nghĩa bằng hữu coi nhau như anh em thân thiết trong nhà”.

Bên ngoài bà vợ thao thao bất tuyệt quảng cáo “nghề” của chồng. Phía bên trong tiếng người đàn ông nói lớn vọng ra, xen vào đó là tiếng lí nhí “dạ, vâng”, nhờ vả khẩn khoản của một người đàn ông khác.

Tiếng người đàn ông vừa quát tháo dịu đi “không phải không làm được, là anh có cố gắng hay không thôi”. Lát sau tiếng người bỗng im ắng, chỉ nghe tiếng lầm rầm bên trong. Khoảng 3 phút sau thấy người đàn ông khoảng 50 tuổi to béo đi ra vẻ mặt hớn hở lau vội mồ hôi lấm tấm trên trán.

Lá bùa làm từ cỏ tranh

Vì “lót tay” 50 nghìn nên tôi được đặc cách vào. Phía trong, căn buồng khá tối, chỉ đốt 1 cây nến nhỏ nên khó có thể nhìn rõ mọi vật. Ông thầy dáng người thấp đậm, ngồi trên chiếc đệm bên góc trái gian buồng, vẻ mặt đăm đăm khó hiểu.

Bà vợ ngồi xuống bên cạnh vái lạy rồi dọn hết chỗ lễ vật trên chiếu cho vào góc tối, rồi ra hiệu để tôi đặt lễ lên. Tôi đưa túi lễ cho bà vợ, bà nhanh tay đặt 3 lá trầu, 3 quả cau, 1 gói bánh lên đĩa rồi bảo “chú đặt thêm 1 ít tiền lẻ cho đủ lễ”.

Trước đó bà cho biết “bùa công danh” càng đặt lễ nặng tay thì càng nhanh phát huy công hiệu nên tôi cũng đành nhắm mắt đặt lễ thêm 100 nghìn đồng.

Lúc này sắc mặt ông Định mới thay đổi, ông vui vẻ quay lại trò chuyện, hỏi han tên, tuổi, quê quán và công việc hiện tại. Nghe xong ông phán dứt khoát “sư phạm thừa nhan nhản, không xin được việc đâu!”.

Tôi nài nỉ, nhờ ông giúp đỡ, ông lắc đầu tỏ vẻ ái ngại “Khó lắm, đâu có đơn giản thế”, rồi cầm lá trầu lên “soi tìm hướng”, xong ông chép miệng thở dài tỏ vẻ nuối tiếc cho sự nghiệp công danh của tôi. Tôi tỏ vẻ mặt van lơn và không quên mở ví đặt thêm 200 nghìn lên đĩa trầu.

Lúc này ông mo mới động lòng hạ giọng hỏi tên, tuổi, giới tính địa chỉ, chức vụ trưởng cơ quan mà tôi muốn đến xin việc. Nghe xong ông mở chiếc túi thổ cẩm lôi ra một con dao nhọn cũ kĩ, 3 ngọn cỏ tranh buộc thắt vào nhau, và cắt 3 lát gừng cho vào 1 cái túi nhỏ nilon.

Rồi ông cởi phăng chiếc áo dài đang mặc, trùm kín đầu, 1 tay cầm dao nhọn, tay kia nắm chặt chiếc túi bật dậy ngồi chồm hỗm, run lên bần bật như ma nhập, múa máy khua khoắng con dao nhọn, luôn miệng lầm rầm khấn vái những điều chỉ có ông mới hiểu.

Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lang Chánh, ông Hà Văn Liên trao đổi với PV

Nhìn ông hành lễ tôi toát mồ hôi hột, sởn gai ốc. Màn hành lễ của ông chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Ông thở dốc, ngồi xuống đưa gói bùa cho tôi và không quên dặn, “mang về không phải cho vào túi áo, khi mang hồ sơ đi xin việc, đến của phòng cấp trên thì lấy tay trái vuốt từ gói bùa lên phía đầu 3 lần để thức bùa dậy”.

Ngoài ra ông cũng không quên nhắc những điều cấm kỵ như không được cho bùa vào túi quần, cặp sách, nhà vệ sinh, không để ướt, “nếu phạm vào những điều cấm kỵ này, bùa không phát huy tác dụng thì phải xin bùa khác ngay”.

Trong trường hợp bùa yểm vào tên, tuổi, địa vị không được, sẽ thay bằng cách khác như lấy áo, hoặc bất cứ đồ vật nào mà cấp trên thường mang theo người để yểm.

Trước khi ra về, ông còn vỗ vai nhỏ nhẹ, nếu lần 1 không được phải xin lần 2, lần 3 và lí giải khá hợp lý rằng: “Cái gì cũng phải có trình tự và mức độ nặng nhẹ của nó. Lần này chưa đủ thì lần sau ta mạnh tay hơn là sẽ được. Việc nhỏ xin dễ, việc lớn sẽ phải khó hơn”.

Không chỉ xin được việc, giúp được nhiều người thăng tiến trên con đường công danh, sự nghiệp ông còn rỉ tai tôi rằng ông còn có khả năng giúp những quan tham trót ăn hối lộ bị phát giác, hoặc gặp biến cố lớn có thể tiêu tan sự nghiệp có thể “cứu cánh” được chỉ bằng bài bùa chú thần kỳ này.

Tiền mất tật mang vì “bùa công danh”

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã gặp được những nhân chứng từng là nạn nhân của trò bùa chú ma mị này. Chị Hà Thị Linh giáo viên tiểu học (phố 1, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá) sau khi xin việc mặc dù đã chạy rất nhiều cửa nhưng vẫn không xin vào được biên chế.

Nghe tiếng thầy Định cao tay chị vay mượn cả mấy chục triệu, lặn lội quãng đường xa xôi lên nhờ vả thầy với mong muốn công việc sẽ được ổn định. Nào ngờ xin bùa đã 3,4 lần mà vẫn chưa thấy tiến triển gì. Thắc mắc thì thầy bảo do phạm vào một trong số những điều cấm kỵ nên bùa không phát huy tác dụng.

Chẳng biết làm thế nào chị đành ngậm ngùi quay về. Số tiền vay nợ thì đã đến kỳ hẹn trả, người thúc trước, giục sau. “Chỉ vì tin vào bùa chú công danh mà tôi ôm nợ vào người, gia đình vì thế cứ lục đục”, chị Linh cay đắng cho biết.

Cũng giống như chị Linh, ông Nguyễn Thanh Minh (40 tuổi, Triệu Sơn, Thanh Hoá) là một nhân viên quèn làm ở UBND xã, mấy chục năm công tác ông cứ giữ mãi chức cán bộ tư pháp hộ tịch.

Ông Minh bèn tìm đến thầy Định nhờ vả để được thăng tiến trên con đường công danh. Nhưng ai ngờ thăng tiến đâu chưa thấy mà bà vợ của ông thì đòi ly hôn vì ông mang cả đống tiền đến nhà thầy.

Ông Hà Văn Hòa, trưởng bản Lót cho biết ông Định là thầy Mo trong làng, ngoài việc cúng bái người chết ông còn biết rất nhiều thuật bùa khác nhau, thực hư hiệu nghiệm của các loại bùa này thì ông không thể xác minh được bởi bản thân ông chưa bao giờ đến xin bùa của ông Định, còn những người khác thì vẫn thường xuyên đến lấy bùa.

Trong cuộc sống mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc, nhất là trong công việc người ta thường tìm đến các trò bói toán ma mị, bùa ngải để được giúp đỡ, thế nhưng đã không ít người, chẳng những không xin được việc, thăng tiến công danh đâu chẳng thấy mà ngược lại còn tiền mất tật mang.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Liên - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lang Chánh cho biết: Việc các thầy mo trong các bản làng thực hiện việc cúng bái ma chay nó là một tín ngưỡng có từ lâu đời, và cho đến nay vẫn còn tồn tại ở một số thôn bản.

Tuy nhiên việc bùa chài, nhất là “bùa công danh” thì ông cũng chưa nghe nói đến. Nếu thực sự ở địa phương có xuất hiện loại bùa kỳ lạ này, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng vào cuộc điều tra và xử lí.

Theo Gia Đình và Xã Hội