Sư phạm lạc hậu

TP - Đổi mới căn bản và toàn diện (ĐMCBTD) nền giáo dục Việt Nam được các nhà giáo dục, nhà khoa học đánh giá là tên gọi khác của một cuộc cải cách giáo dục sắp tới.

>'Cần một cơ chế khoán 10 trong giáo dục'

Ngày 15-3, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội thảo Nhà giáo và Sư phạm. Nhân sự kiện này, ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo T.Ư trao đổi cùng phóng viên Tiền Phong về một cuộc “đại phẫu” dành cho ngành sư phạm.

GS Phạm Minh Hạc nói: ĐMCBTD nền giáo dục Việt Nam muốn thành công, trước hết, phải quan tâm đến đội ngũ. Đối với tất cả các cấp học, đội ngũ nhà giáo là quan trọng và đóng vai trò quyết định. Tôi đã ở trong ngành giáo dục 50 năm chưa bao giờ thấy nhà giáo được coi là trung tâm mặc dù họ mới là lực lượng quan trọng và mang tính quyết định đối với nền giáo dục.

Trong khi ở tất cả các nước, giáo sư là mẫu mực, đứng đầu các ngành khoa học, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo thì ở ta, có lẽ do xác định nhầm học sinh là nhân vật trung tâm, nên, giáo viên trở thành ngoại biên. Các nhà ngoại biên chỉ đến giảng dạy xong rồi cắp cặp ra về.

Trong một triệu giáo viên, đại bộ phận là những người tốt và tâm huyết thì có một số giáo viên hành chính hóa giờ dạy học nên đã dạy cho xong, cho hết giờ và chủ yếu dạy theo một khuôn mẫu - văn theo văn mẫu, toán theo toán mẫu...

Thầy cô giáo không có sáng tạo, không đổi mới phương pháp. Bấy lâu nay nói đổi mới là chỉ nói theo văn bản này, chỉ đạo kia, thực chất không có đổi mới. Mấy thập kỷ nay thầy cô giáo vẫn dạy theo kiểu chữ nghĩa từ chương, dạy học theo sách và dạy để đi thi (thi hết lớp, thi hết cấp, thi học sinh giỏi, thi vào đại học…).

Tất cả nhằm vào thi là sai lầm vô cùng. Cứ dạy đi thi là kiếm tiền nhiều; các hiện tượng tiêu cực từ đó không dẹp được. Cũng vì thế mà khẩu hiệu lương tâm nghề nghiệp giảm sút nhiều trong khi tay nghề của giáo viên không được bồi dưỡng, cập nhật hoặc nâng cao…

Đặc biệt, gần đây trong nền kinh tế thị trường, giáo dục càng mất mát nhiều, nhất là mất lương tâm nhà giáo. Mất mát đến nỗi có một số nhà giáo hư đốn phải ra tòa hình sự (ở Hà Giang, Hà Nam…), một số trường phải đóng cửa, ở bậc ĐH thì nhà giáo chạy theo thương mại hóa…

Bình thường, trường sư phạm (SP) phải đi trước một bước, nhưng trường SP của ta vẫn dạy theo một chương trình khoa cử - 100 người ra trường cả trăm, dạy dỗ một cách hình thức…

Thực chất SP của chúng ta chưa theo kịp sự phát triển giáo dục của nước nhà mà còn đi sau. Trường sư phạm, đáng ra, phải đi trước về phương pháp sư phạm, về nội dung dạy học… nhưng chúng ta đã không đạt được điều đó.

Đáng ra, trường SP phải là nơi yêu cầu trước về việc sách phải thay đổi như thế nào, chương trình thay đổi thế nào. Nhưng, khi Bộ GD&ĐT công bố năm 2015 có sách giáo khoa mới, thì cách đây 1 tuần, trong một hội thảo, giáo viên SP cũng chưa biết gì về điều đó.

Những sinh viên SP tốt nghiệp năm 2014, 2015 sẽ không phải là những người tiên phong. Họ sẽ là những người đi sau vì họ còn chưa biết gì về đổi mới căn bản toàn diện, chỉ cần học xong mấy bài thầy dạy, học theo mấy quyển sách và thi hết khóa.

Năm 1996, trong hội nghị Trung ương 2 của BCH T.Ư Đảng khóa VIII, có nói đến việc xây dựng 2 trường ĐH SP trọng điểm ở HN và TPHCM nhưng đến nay, sau 16 năm, không ai kiểm điểm xem việc này thực hiện đến đâu, và theo tôi là chưa đạt. Hiện ta có khoảng 100 trường SP. Chỉ cần hai trường để dẫn dắt cả hệ thống cũng không được quan tâm.

Thậm chí TPHCM có trường SP tồn tại mấy chục năm nay nhưng ở một số khoa không có phó giáo sư! Thế mà các thầy dạy nhiều cao học, tiến sĩ... Vì vậy, để ĐMCBTD, điều hết sức quan trọng là Chính phủ và Bộ GD&ĐT phải quan tâm thích đáng đến trường SP nói chung và đặc biệt là 2 trường SP trọng điểm.

Nói tóm lại, muốn thay đổi nền giáo dục thì phải thay đổi cả đội ngũ và việc đào tạo đội ngũ, trước hết là đào tạo người dạy ở sư phạm, thay đổi chương trình cho cập nhật và kịp thời. Trường SP phải là trường đầu tiên thanh toán được nạn thị trường hóa, thương mại hóa, cổ phần hóa nhà trường, chấm dứt triết lý từ chương và khoa cử…

Hồ Thu ghi

Theo Báo giấy