Sự nghiệp đào tạo cử nhân thất nghiệp

Năm 2013, nước ta có 72.000 cử nhân thất nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận trách nhiệm. Nhưng nhận trách nhiệm rồi, vặn lại những con ốc đã bị vặn sai thế nào là lại cả một vấn đề.

Hẳn bạn đã từng nghe đến một câu chuyện như thế này: Một dây chuyền máy móc bỗng nhiên ngưng hoạt động, khiến nhà tư bản công nghiệp thiệt hại hàng triệu đô-la mỗi ngày. Ông quyết định thuê một chuyên gia về sửa chữa nó. Vị chuyên gia đến, lấy ra một cái tuốc nơ vít, siết một con ốc, và hệ thống chạy trở lại bình thường. Hóa đơn thanh toán: 10.000 đô-la.

Nhà tài phiệt cảm thấy tức giận và đòi một hóa đơn chi tiết. Ông chuyên gia rất vui vẻ, ghi giá của từng phần việc mình đã làm: 1. Vặn một con ốc, giá 1 đô-la; 2. Biết phải vặn con ốc nào, giá 9.999 đô-la.

Nhiều phiên bản của câu chuyện ấy được kể lại nhiều lần để nói về tính chất của các “chuyên gia”. Họ có giá cao không phải bởi khối lượng công việc, mà chỉ bởi biết mình cần phải làm gì, trong khi người thuê không biết.

Nhìn theo cách nào thì các bộ ngành cũng được ngân sách trả tiền để làm công việc của những chuyên gia.

Nhưng có vẻ như khi mà người thuê, ở đây là người dân, phải ngồi vào và cùng tranh cãi sôi nổi với vị chuyên gia về việc nên vặn con ốc nào, và chính vị chuyên gia cũng không xác định được lập trường về việc nên vặn con ốc nào, thì tiến trình làm việc đang diễn ra không hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận mới đây thừa nhận trước Quốc hội: “Trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu xã hội”.

Thế tức là ở đây, chuyên gia chưa biết phải vặn con ốc nào cho máy chạy đã đành, lại còn vặn sai ốc: trong giai đoạn từ 2006-2011, các trường đại học liên tục được mở ra, rất nhiều cử nhân được đào tạo, họ bước ra một thị trường lao động không cần đến mình. Họ sẽ trở thành gì, câu hỏi ấy không dễ mà trả lời.

Hóa đơn thanh toán của chuyên gia trong trường hợp này, với giá 10.000 đô-la, có thể được ghi là:

1. Tổ chức họp để bàn xem vặn con ốc nào: 10.000 đô-la.

2. Chi phí vặn ốc: vượt dự toán, báo giá sau.

3. Chi phí vặn lại các con ốc đã vặn sai: chuyển cho các Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, Bộ Kế hoạch đầu tư và nhiều Bộ khác, báo giá sau.

Năm 2013 nước ta có 72.000 cử nhân thất nghiệp, là một con số đáng báo động. Trong số những người ấy, có người còn cha mẹ để “ăn bám” hoặc là thậm chí học lên thạc sỹ. Nhưng cũng có những người sẽ phải ra bên ngoài bươn chải, loay hoay kiếm tiền trong khi nghề nghiệp họ sở hữu không phải là thứ xã hội đang cần. Trong quá trình loay hoay ấy, một số người sẽ được lên báo, nhưng không phải trong phần “Gương người tốt” mà là trong mục “Pháp luật” – chuyện này không phải là hiếm.

Đấy là chưa kể điều nguy hại nhất là trong số hàng vạn cử nhân thất nghiệp vì xã hội không cần này, lại có một số người có cha mẹ giàu mạnh, quan hệ tốt. Họ có thể được “chạy” vào những chân cán bộ nhà nước và sau đó lại đi đóng vai trò… chuyên gia vặn ốc. Thế tức là con ốc bị vặn sai sau đó tiếp tục tham gia vào vận hành một cỗ máy chuyên sản xuất ốc vít. Sai lầm chồng chất không tài nào mà đo lường được hậu quả.

Tiếc rằng câu chuyện những con ốc bị vặn sai của Bộ Giáo dục không phải là điều hiếm trong công tác quy hoạch xã hội hôm nay. Chuyện tương tự có thể tìm thấy ở nhiều ngành.

Trong khi đó thì người thuê ở đây lại không thể từ chối trả hóa đơn được.

Theo Theo Đẹp