Sử dụng khí nén thiên nhiên tiết kiệm 40% chi phí

TPO - Trong bối cảnh nhiên liệu biến động về giá cả, sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) làm nhiên liệu cho sản xuất công nghiệp và ôtô giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có thể tiết kiệm tới 40% chi phí.

Ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết, CNG chủ yếu là metan, là loại nhiên liệu sạch, rẻ hơn so với các loại nhiên liệu thông thường khác, như xăng, dầu, điện, than…, có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Năm 2005, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chủ trưởng sử dụng CNG vào lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp. Tuy nhiên, lúc đó, hạ tầng còn sơ sài, lượng khí còn ít, nên chưa đáp ứng đủ.

Đến năm 2008, nhà máy sản xuất CNG đầu tiên của Việt Nam được xây dựng ở Khu Công nghiệp Phú Mỹ I (Bà Rịa - Vũng Tàu), phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Hai năm trở lại đây, PVN chỉ định Cty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) sản xuất để ứng dụng CNG vào lĩnh vực giao thông vận tải (NGV). PV Gas South đã tiến hành xây dựng các trạm nhiên liệu mẹ - con, hiện có 4 trạm con phục vụ khí CNG cho xe ôtô.

Năm 2010, PVN chuyển đổi tất cả các xe ôtô con khu vực phía Nam của Tập đoàn sang sử dụng CGN thay thế xăng dầu, và hiện chuyển đổi được trên 300 xe ô tô và một số xe taxi ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo đánh giá chung, số lượng xe này chạy tốt, tiết kiệm 40% chi phí nhiên liệu so với dùng xăng. Đối với sản xuất công nghiệp, có thể tiết kiệm 30%.

“Do lợi thế của CNG so với nhiều nhiên liệu khác, TPHCM đã có ghi nhớ với PVN ứng dụng CNG vào giao thông vận tải của thành phố", ông Thắng nói.

Ông Vũ Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần CNG Việt Nam cho biết, hiện nhà máy của CNG Việt nam có công suất 50 triệu m3 khí/năm, gần như chạy hết công suất.

Theo ông Ngọc, sau 2 năm ứng dụng CNG, lượng khí CNG cấp cho nhà máy công nghiệp và giao thông vận tải của Việt Nam ngày càng tăng (năm 2009 chỉ đạt 25 triệu m3, năm 2010 lên 50 triệum3, dự kiến năm nay tăng lên 110 triệu m3). Đến năm 2015, PVN sẽ nâng khả năng cung cấp lên khoảng 250 triệu m3/năm.

Cần chính sách phù hợp

Để chuyển đổi xe ô tô từ dùng xăng, dầu sang dùng khí CNG, có thể mất 3.000 - 4000 USD/xe (với xe xăng, tùy từng loại) để lắp bộ chuyển đổi; còn đối với xe chạy dầu, phải thay đổi một số bộ phận trên máy, nên chi phí khoảng 20.000 USD/xe, tùy từng loại xe.

Hiện nay, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh… có các chính sách cụ thể để mở rộng ứng dụng khí CNG.

Ông Thắng cho biết, để khuyến khích người dân sử dụng khí CNG, Chính phủ, cũng như các bộ ngành cần có chính sách cụ thể, từ việc bố trí mặt bằng, giải pháp công nghệ, miễn, giảm thuế cho hệ thống nghiên liệu sạch…

Ông Lee Giok Seng, Chủ tịch Hiệp hội phương tiện sử dụng khí tự nhiên châu Á -Thái Bình Dương (ANGVA) cho biết, Việt Nam có tới trên 30 triệu xe máy, 1,1 triệu ô tô, và đang được hưởng lợi từ kinh nghiệm của các nước sử dụng CNG trước đó.

Việc chuyển đổi sử dụng khí thay cho nhiên liệu truyền thống một lúc không thể hết được, nhưng có thể phân khúc cho ô tô nhỏ, taxi. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, Việt Nam cần hai yếu tố, cần hỗ trợ bằng chính sách cụ thể và đầu tư cho hệ thống hạ tầng để phát triển lâu dài.

Theo Viết