Sinh tồn với lũ
Từ đầu tháng 8, khi những đám mây đen cuồn cuộn kéo về, ông Nguyễn Trung Thiện (SN 1981, trú thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) vội vã thu hoạch vụ đậu cuối mùa ở ngoài đồng. Bởi đây là thời điểm mưa lũ đổ về dồn dập, không thu hoạch kịp, tài sản xem như mất trắng. Vốn sinh ra ở mảnh đất được xem là vùng “rốn lũ”, ông Thiện tự đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân, cứ đến mùng 10 tháng 8 Âm lịch, lúa phải được đưa về nhà, tài sản kê lên cao, trâu bò chuẩn bị di tản.
Năm nay, để tránh ảnh hưởng mưa lũ, từ tháng 6, gia đình ông Thiện đã đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm nhà phao nổi. Ngôi nhà phao nổi được lợp bằng tôn, dựng lên bằng khung sắt và phía dưới đặt hàng chục thùng phuy được gắn kết cố định. Nhà tránh lũ của ông Thiện có trọng tải 6 tấn, ngoài việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình thì có thể chứa đồ đạc, tài sản khi nước lũ dâng cao.
“Sống ở vùng này nên từ nhỏ đã tập làm người vùng lũ. Đến mùa lũ là kê cao tài sản trước, sau đó dự trữ thức ăn. Như năm nay có kinh tế hơn, làm thêm nhà phao chống lũ để đến lúc nước lên không phải lo lắng, an tâm hơn”, ông Thiện nói.
Chỉ tay hướng về gian gỗ chính được cất lên từ năm 2012, ông Thiện chia sẻ, ở vùng này ngoài nhà phao nổi, nhà nào cũng có thiết kế đặc biệt để tránh lũ. Đó là công trình nhà có thêm gác xép xếp, đây được xem là “thành lũy” cuối cùng khi nước lũ dâng lên. Song cũng có những năm lũ vượt lịch sử, ngôi nhà chìm trong biển nước, gia đình buộc di tản đến nơi khác.
Ông Thiện nói, qua mỗi năm, trải qua bao nhiêu trận lũ, ở đây người dân hiểu tính mạng của mình không thể phó mặc mà phải đối đầu, tìm mọi cách để sinh tồn với nó. Không chỉ là nhà ở mà từ trong ý thức của người dân đã xây dựng một quy trình xử lý, ứng phó với lũ. Như nước lên, đồ đạc đã được thu dọn, trâu bò đưa lên cao và đặc biệt tính mạng luôn đặt lên hàng đầu.
Nếu như trước đây sau những lần đài báo thông tin mưa lũ, bà Trần Thị Hà (trú thôn 5, xã Điền Mỹ) hoảng hốt thì nay bà Hà lại vững tâm hơn nhờ có nhà phao chống lũ. “Ngày trước, người dân leo lên mái nhà khi nước lũ dâng cao, nhưng những năm gần đây, nước ngập quá nóc nhà cộng với việc không có nhiều kinh phí để xây nhà cao tầng nên gia đình đã sáng tạo nên nhà phao lấy ý tưởng của những chiếc lồng bè nuôi thủy sản. Giờ có nhà phao rồi, an tâm hơn khi lũ về”, bà Hà chia sẻ.
Đi qua trận lũ lịch sử
Xã Điền Mỹ như lòng chảo, bốn bề được bao bọc bởi núi rừng. Nơi được xem như là cái “túi đựng nước” cứ sau vài trận mưa lớn, sông Ngàn Sâu thoát không kịp, nước lũ dâng trắng làng. Sống chung với lũ tự bao đời, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để bảo vệ người và tài sản. Sau mỗi trận lũ đi qua, ngôi làng trở nên xơ xác, nhưng người dân nhanh chóng nhen nhóm lại màu xanh từ hạt phù sa đọng lại. Lũ năm 2010 có lẽ là trận lũ lớn nhất trong thế kỷ không chỉ không chỉ ở xã Điền Mỹ mà ảnh hưởng khắp Hà Tĩnh.
Thời điểm này, chính quyền địa phương Điền Mỹ thành lập được đội “xung kích” chống lũ cơ động, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”... Trụ sở UBND xã, các điểm trường trở thành nơi trú ngụ cho hàng trăm người dân. Lần lượt thuyền, xuồng sắt được lệnh đi cứu người, hỗ trợ dân di dời tài sản. Nhờ sự kịp thời phòng chống, năm lũ đó không có thiệt hại về người.
“Năm lũ lịch sử vào 2010 nhờ có kinh nghiệm chống lũ, dân họ quen với cảnh này nên may mắn không có thiệt hại về người. Chỉ có ảnh hưởng lớn đến tài sản”, lãnh đạo UBND xã Điền Mỹ chia sẻ.
Theo lãnh đạo địa phương, trước mỗi trận mưa lũ, xã đặt ra các tình huống xử lý lũ theo từng cấp độ như lũ báo động cấp 1 sẽ phản ứng, sơ tán dân ra sao. Lũ báo động 2 thì hoa màu, gia súc và con người sẽ đưa đến đâu. Nếu đỉnh lũ đạt đỉnh thì bà con sẽ làm gì, nơi nào 9sẽ là nhà tránh trú an toàn khi cả xã bị nhấn chìm. Nhờ đó, sau mỗi trận lũ đi qua, thiệt hại về người dần giảm hẳn.
Đại diện UBND xã Điền Mỹ cũng cho biết, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn đã làm nhà phao chống lũ nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản mỗi khi mùa mưa bão tới.