An Thế Tuấn xuất thân trong gia đình có ông là thầy thuốc có tiếng. Khi còn nhỏ, Tuấn thường theo ông vào rừng hái thuốc và được ông truyền cho một số bài thuốc gia truyền. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, Tuấn về quê làm cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng tại Ban quản lý dự án giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại địa phương. Chính thời gian này, anh rất day dứt khi thấy quê mình còn nhiều người nghèo, thanh niên không có việc làm, phải đi kiếm việc làm tứ xứ, nhiều người vướng vào tệ nạn xã hội.
Tuấn chia sẻ: “Văn Bàn có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây dược liệu, có thể tinh chiết ra những “giọt vàng”, giúp người nông dân có việc làm, thu nhập ổn định. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu. Cuối năm 2019, từ số tiền dành dụm được, huy động từ bạn bè, người thân, tôi có trong tay 500 triệu đồng lập đề án khởi nghiệp. Tôi cùng với người bạn thành lập HTX, liên kết với người nông dân các xã Chiềng Ken, Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn) trồng sả Java, cây đại bi để chiết xuất tinh dầu xuất khẩu”.
Dự án trồng, phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn được lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2021. Trước đó, Tuấn giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp 2020 do Tỉnh Đoàn Lào Cai tổ chức.
Đến năm 2021, Tuấn nhìn thấy những lợi thế từ cây tía tô Nhật Bản đem lại lợi ích kinh tế cao nên vận động các hộ dân, nhất là đoàn viên, thanh niên mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tía tô. Toàn bộ sản phẩm, HTX cam kết bao tiêu với mức giá ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Ken 3, xã Chiềng Ken cho biết, gia đình đã liên kết với HTX trồng 5.000m2 tía tô. Ưu điểm lớn của loại cây này là lượng phân bón ít; không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Việc liên kết với anh Tuấn tạo ra công ăn việc làm ổn định, cho thu nhập khoảng 6 đến 8 triệu đồng mỗi tháng cho gia đình.
Cũng liên kết trồng tía tô như ông Thành, gia đình bà Nguyễn Thị Hào, thôn Pác Sung, xã Khánh Yên Hạ trồng gần 1 héc ta, cho thu nhập từ 10 đến 12 triệu mỗi tháng. Bà Hào cho biết, so với lúa và các cây hoa màu khác, thu nhập từ việc trồng cây tía tô cho thu nhập gấp hàng chục lần.
Hiện tại, cây tía tô đang được HTX chế biến thành các sản phẩm chính cung cấp ra thị trường như: trà tía tô, cao tía tô, tinh dầu tía tô, nước cất tía tô, trà túi lọc đại từ bi…