Sóng gió trong những ngôi nhà tráng lệ

TP - Dòng ngoại tệ có được từ xuất khẩu lao động (XKLĐ) như cơn bão cuốn đi hàng trăm ngôi nhà nhỏ với tiếng cười, sự chia sẻ yêu thương và thay vào đó nhiều căn biệt thự tráng lệ nhưng lạnh lùng và vô cảm. Dẫu chưa phải là phổ biến song tình trạng này thực sự đáng buồn.

> Thầy ơi, bằng tốt nghiệp bao nhiêu tiền?

Những ngôi nhà vắng bóng mẹ, cha.

Kết hôn giả và ly hôn thật

Gia đình ông Đ. V. Ng. ở thôn Đông Thịnh có con dâu là L.T X. (SN 1990). Cách đây ba năm, qua trung tâm môi giới, chị X. kết hôn với người đàn ông Hàn Quốc nhưng do trục trặc thủ tục xuất cảnh nên việc XKLĐ của chị X. không thành.

Thời gian sau, chị X. lập gia đình với anh Đ.V.T., con trai ông Ng. nhưng không được cán bộ tư pháp xã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, vì hiện tại chị đang có hôn nhân hợp pháp với người Hàn Quốc. Nghĩ rằng đây chỉ là khó khăn tạm thời, hai bên gia đình vẫn tổ chức cưới cho đôi bạn trẻ.

Đến nay, con của chị đã hai tuổi nhưng chưa được khai sinh, bởi theo quy định của pháp luật, đứa con đó không thể mang họ của anh T. mà mang họ của người cha Hàn Quốc.

Ông Ng. lo lắng: “Cán bộ tư pháp xã nói rằng, chỉ làm giấy khai sinh cho cháu khi con dâu tôi có đơn ly hôn với người chồng Hàn Quốc hoặc làm đơn cam đoan đứa con mình sinh ra là con ngoài giá thú và chỉ được mang họ mẹ. Điều này thì không thể! Tôi rất lo khi sắp tới cháu đến tuổi đi học mà không có giấy khai sinh và còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai của cháu”.

Bà Đỗ Thị Lệ, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện nay Bắc Giang có khoảng 11,6 nghìn phụ nữ đang làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 70% lực lượng đi XKLĐ toàn tỉnh, mỗi năm đưa về địa phương hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây tình hình ly hôn, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của những phụ nữ đi XKLĐ đang là vấn đề nổi cộm nhất.

Cũng cùng hoàn cảnh là gia đình ông Trần Đình N. Cháu nội của ông N. được sinh ra tại Hàn Quốc và đưa về Việt Nam sống cùng ông bà đến nay đã bốn tuổi mà chưa được khai sinh.

Theo anh Nguyễn Hữu Thuần, cán bộ tư pháp xã Tam Dị, tình trạng này bắt đầu xuất hiện vào năm 2005 và rộ lên trong những năm 2008, 2009 và 2010.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến tháng 3-2010, tại xã có hơn 160 người kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu mang quốc tịch Hàn Quốc hoặc công dân các vùng lãnh thổ Đài Loan, Ma Cao...? Tuy nhiên, hệ quả của việc kết hôn giả này hiện có hàng chục trường hợp khó khăn trong khai sinh bởi nguyên nhân trên, một số gia đình có đến 2-3 đứa trẻ trong tình trạng này.

Không chỉ có những cô gái muốn giả kết hôn để xuất ngoại kiếm tiền, nhiều phụ nữ có chồng chấp nhận giả ly hôn để kết hôn giả với người nước ngoài.

Anh Đào Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Dị cho biết, giai đoạn khoảng năm 2009-2010, toàn xã có tới 20 trường hợp làm đơn xin ly hôn.

Sóng ngầm

Câu chuyện của T.V.A., ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cũng khá đau lòng. Vốn là một thanh niên hiền lành ở huyện Yên Dũng, anh kết hôn với H.T.D, một thôn nữ cùng quê và sau đó quyết định đổi đời bằng việc cho vợ đi XKLĐ ở đảo Síp.

Vợ chồng anh đã vay mượn bạn bè, gia đình được hơn 5.000 USD để D. đi học tiếng đi nước ngoài. Hơn một năm đầu, D. vẫn hằng tháng đều đặn gửi tiền về cho chồng trả các khoản nợ đã vay.

Nhưng sau đó không thấy D. gửi tiền về nữa, A. gọi điện sang mới biết nguyên nhân chính là có thông tin anh ở nhà cờ bạc, trai gái vậy là chị quyết định cắt viện trợ.

Hằng tháng D. không gửi tiền về cho chồng mà gửi về cho mẹ đẻ. Thậm chí cả khi A. quyết định làm nhà, D. cũng không gửi về một đồng nào. Giải thích thế nào cũng không được, hai vợ chồng mất niềm tin và quyết định dẫn nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn.

Ly hôn xong, D. trở lại đảo Síp và hầu như không ai biết cô làm gì ở đó, A. ở nhà nuôi con và không ít lần trăn trở: giá mình không cho vợ xuất ngoại...?

Vợ của N.T.X. trước khi đi Đài Loan là một cô gái khá bắt mắt. Hai vợ chồng với một đứa con nhỏ sống bằng nghề sửa xe máy của chồng cũng tạm ổn. Nhưng vợ X. lại không có nghề nghiệp ổn định, ở nhà mãi cũng chán nên quyết định đi nước ngoài kiếm tiền.

Khi ấy, nhiều người nói với X. rằng, phụ nữ như vợ anh với tuổi xuân, sắc đẹp như thế, ra ngoài thì có bao nhiêu người để ý, lại phải cái tính người, e rằng khó giữ. X. nói cứng: "Em quyết định cho vợ đi là tin tưởng hoàn toàn".

Khi đứa con gái được tròn 2 tuổi, vợ X. dứt áo ra đi. Được hơn một năm thì niềm tin của X. bị lung lay khi vợ mình cứ ngày càng trắng trẻo ra, ăn mặc sành điệu, mỗi năm lại được nhà chủ ưu ái cho về nước vài lần.

Ban đầu X. còn tự hào vì vợ gửi về nhiều tiền, mỗi tháng đều cao gấp rưỡi so với những người đi cùng đợt nhưng sau đó nghe không ít người bàn tán: "Làm gì mà lại được lắm tiền thế, họa chăng là...", X. sinh nghi.

Và chẳng phải đợi lâu, đến đầu năm thứ ba thì vợ X. bị trục xuất về nước do vợ của ông chủ bắt được cảnh hai người đang trai trên, gái dưới ngay trong nhà chủ. Phẫn uất, X. đâm ra rượu chè say xỉn tối ngày rồi hai người dẫn nhau ra tòa xin ly hôn.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ TBXH xã Tam Dị cho biết, quá nửa số cặp vợ chồng ly hôn tại xã này có nguồn gốc sâu xa từ XKLĐ.

Riêng từ đầu năm đến nay, đã có khoảng hơn chục trường hợp gia đình có vợ hoặc chồng đi nước ngoài mâu thuẫn gửi đơn ly hôn ra xã, 4 trường hợp đưa nhau tới tòa xin ly hôn. Còn những trường hợp gia đình cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, thậm chí là sống ly thân cũng khá nhiều.

Ông Nguyễn Đức Tiếp, Chánh án TAND huyện Yên Thế cho biết: “Trung bình mỗi năm chúng tôi xét xử hơn một trăm vụ xin ly hôn trong đó có một bên đi XKLĐ ở nước ngoài. Riêng năm 2011, toàn huyện có gần 200 vụ xin ly hôn do có người đi lao động ở nước ngoài".

Còn ông Thân Hồng Giang, Chánh án TAND huyện Yên Dũng kể: Hầu như năm nào, tòa án cũng tiếp nhận khoảng 30 vụ ly hôn mà một trong hai bên đã hoặc đang đi XKLĐ, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số vụ ly hôn do Tòa án huyện thụ lý.

Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về tình trạng mâu thuẫn trong gia đình và ly hôn do đi lao động nước ngoài trở về nhưng nhận định của nhiều cán bộ ngành tòa án thì con số đã đến mức đáng báo động.

Theo Báo giấy