Khu đô thị mới Hà Nội:
Sống chung với công trường
> Điều chỉnh quy hoạch rất thiếu căn cứ
Sống chung với công trường
Bà Xuân Diệu (trú tại phòng 608, Nơ5, khu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội) phản ánh, mặc dù khu đô thị được xây dựng từ năm 1997 nhưng đến nay vẫn ngổn ngang công trường. Chỉ riêng việc thi công 4 tòa cao ốc gần 30 tầng ngay sát nhà Nơ5 đang làm nhiều hộ dân lân cận khốn khổ.
“Xe tải chở đất đá, vật liệu chạy suốt đêm ngày, khói bụi mù mịt, đất rơi vãi trên nhiều tuyến đường trong khu đô thị”- một người dân nhà Nơ5 cho biết.
Bà Diệu cho hay, chủ đầu tư, nhà thầu cam kết với dân thi công đến 10 giờ tối hàng ngày nhưng thực tế nhiều ngày làm thâu đêm khiến nhiều người sống trong những căn hộ liền kề không tài nào chợp mắt. “Chủ đầu tư cam kết thi công trong 3 năm nhưng qua một năm rưỡi rồi vẫn chưa xong móng”-một người dân ở sát công trường dự án nói.
Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình, Văn Quán... nhiều năm xây dựng vẫn chưa biết bao giờ hoàn thành. Người dân dù bỏ tiền tỷ mua nhà vẫn phải chung sống với khói bụi và thiếu hụt hạ tầng.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hầu hết khu đô thị tại Hà Nội vẫn dở dang, tiến độ xây dựng quá chậm, đấu nối hạ tầng hạn chế, thiếu cơ quan đầu mối quản lý và nhất là chưa lập được kế hoạch phát triển các khu đô thị mới, việc lựa chọn chủ đầu tư chưa tốt, chưa thực hiện được đấu thầu dự án.
“Chế tài không rõ nên không có cơ quan nào đứng ra xử lý. Cần quy định rõ đường giao thông, trường học, chợ, hạ tầng bao giờ xong. Nếu chậm thì xử lý ra sao” - đại diện Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội nhận xét, nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong quản lý khu đô thị là do quy định của nhà nước còn nhiều bất hợp lý.
“Kết quả kiểm tra nhiều khu đô thị tại Hà Nội cho thấy không có dự án nào thực hiện đúng theo Nghị định 02 về quản lý khu đô thị, không có điều lệ quản lý, mô hình Ban quản lý khu đô thị mới không phù hợp, nửa nạc nửa mỡ”, ông Tuấn nói.
Siết chặt quản lý
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về quản lý dự án phát triển đô thị mới đây, đại diện Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết: vốn thực của chủ đầu tư các khu đô thị, dự án nhà ở đang cần được quy định chặt chẽ hơn. Đang có sự đánh giá thiếu chính xác năng lực chủ đầu tư. Nhiều trường hợp chỉ với một lượng vốn nhỏ nhưng lại được xác định là có năng lực tài chính để triển khai nhiều dự án. Nhiều doanh nghiệp ôm đất, lập dự án rồi chuyển nhượng vòng vo kiếm lợi hoặc chia lô bán nền để hoang mà không làm ra sản phẩm cụ thể.
Ông Trần Ngọc Hùng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện có tới hàng ngàn văn bản pháp quy về đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có 300 văn bản trực tiếp. Tuy nhiên, nội dung, thủ tục quá phức tạp nên khó vận dụng.
Bộ Xây dựng cho biết Nghị định về quản lý dự án phát triển đô thị nhằm thay thế Nghị định 02/2006 về Quy chế khu đô thị mới đã quá lạc hậu. Theo đó, sẽ quy định rõ việc kiểm soát thực hiện Điều lệ quản lý khu vực phát triển đô thị, kiểm soát tiến độ dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương; yêu cầu về việc chuyển giao - quản lý khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật.
Với công trình nhà chung cư cao tầng, công trình công cộng tập trung đông người khi xây dựng xong phải có giấy phép sử dụng mới được đưa vào vận hành. Sẽ quy định rõ về các loại dịch vụ trong đô thị, dịch vụ quản lý nhà chung cư, trách nhiệm của chủ đầu tư.
Hà Nội đang triển khai đầu tư xây dựng 152 dự án khu đô thị mới (quy mô từ 20 ha trở lên) với tổng diện tích chiếm đất khoảng 44.687 ha, quy mô dân số thiết kế hơn 2 triệu dân. Ngoài ra, còn hàng trăm dự án khác đang trong giai đoạn lập dự án, chờ phê duyệt...