Sớm tiếp cận những vấn đề mới của Đoàn

TP - Đó là quan điểm nhất quán của hầu hết các đại biểu tham gia thảo luận, góp ý cho dự thảo (lần 4) báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá X trong phiên khai mạc hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 11 diễn ra tại TPHCM vào ngày 24/6.
Hoạt động “tiếp sức mùa thi” đã lan toả trên phạm vi cả nước.

Bám sát thực tiễn cơ sở

Theo anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn các ý kiến góp ý bám sát tình hình thanh niên và thực tiễn từ cơ sở cũng như xu thế phát triển của xã hội và thanh thiếu nhi Việt Nam trong 5 năm tới. “Các đồng chí cố gắng tìm kiếm những hướng tiếp cận mới, những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá và thảo luận cụ thể những nội dung và các giải pháp, làm rõ những chỉ tiêu và cách làm để sớm tiếp cận những vấn đề mới của Đoàn trong thời gian tới”, anh Phong nhấn mạnh.

Gợi mở của anh Lê Quốc Phong như càng động viên các đại biểu mạnh dạn nói thẳng, nói thật. Phiên thảo luận nhanh chóng trở thành diễn đàn của tuổi trẻ với nhiều vấn đề thiết thực từ cuộc sống đặt ra. Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn TPHCM Lâm Đình Thắng cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm nhưng còn thiếu một bài học khác cũng quan trọng không kém. Đó là tổ chức Đoàn cần làm gì trước nhu cầu của thanh niên. Anh Thắng dẫn chứng: Triết học là bộ môn khoa học cơ bản được nhiều nước quan tâm nhưng tại TPHCM, khoa Triết các trường vắng hoe vì các bạn trẻ không có nhu cầu học triết học.

Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh đồng tình: Bố mẹ thường định hướng cho con theo học những ngành sau này ra trường dễ kiếm việc làm, thu nhập cao… Muốn con thoát nghèo, có cuộc sống khá giả là nhu cầu chính đáng của các bậc làm cha làm mẹ nhưng đôi khi, nếu định hướng không khéo thì xã hội ngày càng chuyển biến theo hướng xấu đi.

Ủy viên Ban thường vụ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên là rất cần thiết nhưng vai trò của Đoàn là định hướng chứ không dễ dãi chạy theo, chiều theo các sở thích mà không cân nhắc có phù hợp không. “Đoàn có nên đứng ra tổ chức cuộc thi hát bolero cho các bạn trẻ hay không? Tôi cho rằng việc này các tổ chức khác làm thì phù hợp hơn”, anh Tuấn ví dụ.

Phải đi vào cuộc sống

Nói về chỉ tiêu trồng 30 triệu cây xanh, Bí thư tỉnh Đoàn Tiền Giang Nguyễn Thị Uyên Trang trăn trở: Ở Tiền Giang cây xanh không thiếu nhưng địa điểm trồng không còn, kể cả trồng cây phòng hộ, phải trồng trong bệnh viện, trường học nên một số nơi chỉ dặm vá lại thôi.

Anh Lâm Đình Thắng cho biết kinh nghiệm của TPHCM là tận dụng nguồn lực của các tổ chức khác và xã hội hoá. Trong khi đó chương trình trọng điểm là đào tạo Tiếng Anh chưa đưa vào hệ thống chỉ tiêu sẽ làm phân tán nguồn lực. Ngoài ra, dự thảo báo cáo chính trị chưa xác lập tiêu chí văn hoá đọc để giáo dục lối sống đẹp cho thanh thiếu nhi. “TPHCM vừa khảo sát 40 doanh nghiệp lớn có nhu cầu tuyển dụng. Họ cần kinh nghiệm, trình độ nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ của ứng viên”, anh Thắng nói.

Anh Lê Trung Hồ, Bí thư tỉnh Đoàn Kiên Giang, đồng tình: Vừa qua, nhiều vấn đề của giới trẻ làm dư luận bức xúc, lo lắng. Đó là văn hoá ứng xử, tội phạm ngày càng trẻ hoá, thậm chí đã xảy ra nhiều vụ giết người hàng loạt mà thủ phạm còn rất trẻ. “Khoảng cách giữa tổ chức Đoàn và thanh niên ngày càng lớn. Thanh niên gặp khó khăn, ít thấy ai tìm đến tổ chức Đoàn xin giúp đỡ, hỗ trợ. Phải chăng chúng ta chưa tạo được niềm tin”, anh Hồ băn khoăn.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn nhấn mạnh: “Cần quan tâm nhiều hơn đến giải pháp, đặc biệt là giải pháp đột phá và những cách làm mới để phù hợp với thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn như việc đổi mới phương thức thi tuyển sinh đại học thì công tác tiếp sức mùa thi không còn “nóng”.