Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, lễ hội đua thuyền được phục dựng từ năm 2015 đến nay, vào dịp đầu năm mới nhằm tái hiện lại vẻ đẹp lao động trên sông nước; đồng thời gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu mưa của người Thái.
Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu, tăng cường đoàn kết, chung tay giữ gìn, bảo tồn các nét đẹp văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Là hoạt động thiết thực để quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Phong Thổ, làm tiền đề để phát triển du lịch.
Lễ hội đua thuyền gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các nghi thức như lễ cúng thần sông nước, lễ hạ thuyền và nghi lễ bắt cá đầu năm. Mâm lễ lớn với đầy đủ vật hiến sinh như: lợn, gà, đồ tế lễ, xôi, hương, hoa, trái cây, rượu, gạo, trứng.
Ở phần hội diễn ra các hoạt động đua thuyền, thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân gian như bắn nỏ đồng đội, kéo co, bắt vịt ném còn, tó má lẹ, én cáy, bịt mắt đánh chiêng.
Lễ hội diễn ra tưng bừng trong sự cổ vũ nhiệt tình của đại biểu, nhân dân và du khách. Từ đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái thi đua lập thành tích mừng xuân Giáp Thìn năm 2024, hướng tới chào mừng, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh Lai Châu và của huyện Phong Thổ năm 2024.
Thông qua các hoạt động lễ hội góp phần tiếp tục bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, thể thao cũng như quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Phong Thổ đến du khách, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.