> Bác sĩ tuyến xã mới nâng cấp lên tuyến huyện
> Phù phổi cấp lại chẩn đoán viêm họng
Có dấu hiệu sửa hồ sơ bệnh án
“Nếu không có bệnh án bệnh nhân sẽ không thực hiện được việc kiểm thảo tử vong như quy định” - Giám đốc Sở Y tế Bình Định, ông Nguyễn Văn Cang nói sau cái chết tức tưởi của cháu Huỳnh Thị Thanh Hằng 10 tuổi (Mỹ Chánh – Phù Mỹ - Bình Định).
Theo ông Cang, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo Trung tâm phải có công văn gửi sang phía công an yêu cầu được mở niêm phong để ngày 15-11 tới, trung tâm y tế (TTYT) Phù Mỹ bắt đầu tổ chức kiểm thảo đối với trường hợp tử vong của cháu Hằng như quy định.
Trong khi đó, một lãnh đạo (xin giấu tên) phía TTYT huyện lại cho rằng, công an niêm phong bệnh án là có lý do chính đáng. Nghe nhân viên báo lại là sau cái chết của cháu Hằng thì hồ sơ bệnh án đã có dấu hiệu chỉnh sửa nên phải niêm phong.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc tiến hành kiểm thảo tử vong không có gì vướng mắc đến mức phải kéo dài. Nếu Trung tâm tiến hành thì những thủ tục cần thiết đều nằm trong khả năng thuận lợi, không vướng mắc.
Sự cẩu thả, sơ sài không làm tròn trách nhiệm của TTYT xuất phát từ kíp trực cấp cứu đêm 8-11, cụ thể là BS Tô Quốc Phong. Thay vì phải tiến hành các xét nghiệm cần thiết ngay khi vào viện, lại chỉ khám sơ sài bên ngoài cho vài viên thuốc rồi bàn giao cho người khác. Kíp trực cũng xem thường chẩn đoán của y sĩ tuyến xã trước đó, khi xã cho rằng cháu Hằng bị tràn dịch màng phổi.
Được biết, sau cuộc họp ban giám đốc tối ngày 11–11, TTYT Phù Mỹ mới thành lập hội đồng để giải quyết các đơn thư khiếu kiện của người nhà bệnh nhân cụ Trần Thị Hương - một bệnh nhân 70 tuổi thị trấn Phù Mỹ cũng tử vong tại đây trước đó 1 tháng. Đồng thời đề xuất việc tổ chức thăm viếng gia đình cháu Hằng trong một vài ngày tới.
Nghi ngờ năng lực các bác sĩ chuyên tu
Theo phản ánh của một bác sĩ tại Trung tâm: Các BS Nguyễn Văn Lưu, Dương Công Sanh, Tô Quốc Phong là người trực tiếp khám chữa bệnh cho cháu Hằng đều là bác sỹ tuyến xã mới rút lên huyện năm 2010, các bác sỹ này có bằng cấp nhưng chưa có đủ kinh nghiệm trong điều trị, vì bác sỹ tuyến xã chỉ làm công tác phòng bệnh là chính, ít khám bệnh và điều trị.
Ông Cang nói: “Tiểu sử của bệnh phù phổi cấp không liên quan gì đến viêm họng mà có liên quan đến hiện tượng tràn dịch màng phổi. Nếu người bệnh được tiến hành chụp phim nhanh chóng sẽ dễ dàng nhận ra hiện tượng phù phổi”.
Vị BS này nói thêm, BS Lưu mới tốt nghiệp đào tạo bác sỹ chuyên tu giữa năm 2010, đang làm trưởng trạm y tế xã Mỹ Quang. Bác sỹ Lưu được điều động trực tại TTYT (không có quyết định) thì làm sao đảm đương việc trực tại TTYT huyện để giải quyết tất cả bệnh tật của một đơn vị đa khoa trên 140 giường bệnh.
Còn BS Dương Công Sanh nguyên là y sỹ tuyến xã và được học lên bác sĩ chuyên tu và bác sĩ chuyên khoa I nhi, nhưng vẫn làm ở xã. Giữa năm 2010 mới tốt nghiệp khóa bác sĩ chuyên khoa I nhi và được rút lên TTYT. Tuy nhiên, bác sĩ này vẫn ở Phòng khám của TTYT để khám bệnh chung, chưa bao giờ được phân công điều trị nội trú.
Ngày 1-9-2011, BS Sanh được bổ nhiệm làm Trưởng khoa nhi, nên kinh nghiệm thực tế về điều trị bệnh nhi chưa đầy 2 tháng, hơn nữa khoa nhi cũng chỉ có một mình BS Sanh.
Khi tiếp nhận cháu Hằng bác sĩ cũng không cho bệnh nhân chụp phim phổi để loại trừ tràn dịch màng phổi như y sĩ xã đã cảnh báo.
Còn BS Lưu là người trực cấp cứu trực tiếp chứng kiến sự nguy kịch của cháu Hằng nhưng lại lúng túng không biết xử lý, đến khi gọi được bác sĩ lãnh đạo Châu Tấn Khoa đến thì đã muộn 30 phút so với quy định dẫn đến cái chết đau lòng của bệnh nhân.