Từ cái gây tò mò cho giới trẻ trên phim, trên clip, giới trẻ sẽ tìm đến những cái có thực trong xã hội. Họ là người của công chúng, kiếm tiền từ công chúng, nhưng những hành động của họ rất đáng lên án. Tôi cho rằng cần lên án mạnh mẽ những thứ nghệ thuật rẻ tiền này”, chị N.Q.M (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có con học cấp 2 bức xúc nói.
“Khi các con nhỏ xem phim siêu nhân, các con sẽ ước mơ trở thành siêu nhân có sức mạnh đứng lên bảo vệ người thường. Khi các con xem phim giang hồ cũng sẽ ước mơ sau này thành đàn anh đàn chị, điều hành các băng nhóm. Cứ ra phim liên tục về giang hồ như thế sẽ làm nhiễm tư tưởng của các cháu, sinh ra bạo lực học đường và các hệ lụy khác”, chị N.Q.M nói thêm và đề nghị cần xóa bỏ hết các tài khoản mạng xã hội có tính chất “giang hồ mạng”, thể hiện lối sống ngang tàng, bất cần và kiếm tiền nhanh chóng bất thường.
Tạo tâm lý muốn “ăn xổi”
Anh Bùi Quang Cường là một trong hai người sáng lập ra Công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet, hoạt động trong lĩnh vực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình bằng những xu hướng truyền thông hiện đại. Anh Cường cho rằng, những cách quảng cáo qua những clip, nội dung lệch chuẩn, tiêu cực để nhanh chóng thu lợi nhuận sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng việc muốn nổi tiếng là quá dễ và có thể tìm cách tạo ra scandal để nổi tiếng. Qua đó tạo ra tâm lý muốn “ăn xổi” kiếm tiền, làm giàu nhanh của một bộ phận không ít giới trẻ.
“Những cách truyền thông “bẩn” sẽ ảnh hưởng mức độ tín nhiệm chung của toàn thị trường quảng cáo Việt Nam. Ngoài ảnh hưởng về môi trường kinh doanh, cách làm truyền thông kiểu này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội do những thông tin xấu được lan truyền tới bộ phận giới trẻ chưa nhận thức rõ được đúng sai và có thể học theo những hành vi xấu”.
Anh Bùi Quang Cường