Sau đó, người giúp việc cho chị liên tục từ năm 1997 đến nay không được tiếp tục đăng ký tạm trú. Khi quyền cư trú bị xâm phạm, chị Mai gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Sốt sắng cắt hộ khẩu, tạm trú
Khi chị Nguyễn Thị Mai còn nằm trong bụng mẹ thì cha qua đời. Mẹ của chị lúc đó mới 23 tuổi và ở vậy nuôi 3 con thơ. Tuổi nhỏ của chị lớn lên trong thiếu thốn.
Nghèo khó cho chị tính tự lập, chị tốt nghiệp Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, được đào tạo chuyên khoa mắt, sau 8 năm học tập, ra trường năm 1992 và bây giờ là người mổ mắt bằng tia la-de có tiếng.
Tuy nhiên, con đường đến với chuyên khoa yêu thích lại không bằng phẳng. Học xong, về quê hương Cần Thơ, chị không xin được việc làm. Khi chị thi đậu công chức thì được điều về… khoa nội của một bệnh viện tuyến huyện.
Ở đó, một cô y tá có quyền đã đập bàn ra lệnh về chuyên môn cho chị, không chịu được, chị xin nghỉ. Chị làm cho các hãng dược và năm 2001, xin việc ở chuyên khoa mắt một bệnh viện tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuần làm việc 5 ngày, cuối tuần về với chồng con ở Cần Thơ.
Chồng của chị là bác sỹ ở một bệnh viện lớn tại Cần Thơ, có phòng mạch ngoài giờ tại nhà riêng số 226, Trần Hưng Đạo (Ninh Kiều, Cần Thơ). Lấy nhau rồi, chị giúp chồng khám bệnh ngoài giờ, sau này làm việc trên thành phố Hồ Chí Minh, cuối tuần về nhà chị vẫn cùng chồng khám bệnh. Cuộc sống hai vợ chồng hạnh phúc, kinh tế ngày càng khá giả.
Một ngày nọ giữa năm 2007, chồng chị sau khi tiễn chị lên thành phố Hồ Chí Minh, chạy xe máy đã bị tai nạn. Vợ chồng mới quyến luyến chia tay nhau, chị vừa tới thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được tin dữ, quay về trong đêm gặp chồng ở bệnh viện đã hôn mê.
Ba ngày nằm trong bệnh viện, chồng chị không hề tỉnh lại và ra đi. Theo phong tục coi giờ giấc, hoặc phải chôn trong ngày hoặc phải chờ 6 ngày sau và theo ý của gia đình bên chồng, chị quàn xác chồng lo tang lễ suốt 6 ngày tại nhà riêng, số 226 Trần Hưng Đạo.
Trước đó, lấy chồng nhưng chị vẫn để hộ khẩu tại căn nhà mẹ đẻ ở một con hẻm đường Mậu Thân, cũng thuộc quận Ninh Kiều, cách nhà chồng chừng cây số. Việc này do hai vợ chồng bàn tính, vì căn nhà mẹ đẻ đã cho chị nằm trong quy hoạch, chị để hộ khẩu tại đó để hy vọng khi đền bù giải tỏa đỡ thiệt thòi. Năm 1995, sinh con trai, vợ chồng chị cũng nhập tên con vào hộ khẩu với chị.
Chồng qua đời, căn nhà 226 Trần Hưng Đạo đã trở nên thiêng liêng với mẹ con chị nên cuối năm 2007, chị và con trai chuyển hộ khẩu về đây. Yên ổn được gần năm, ngày 21/10/2008, đột ngột Công an quận Ninh Kiều xóa tên mẹ con chị trong hộ khẩu tại căn nhà 226 Trần Hưng Đạo.
Vợ chồng chị từ năm 1997 có thuê một cô gái giúp việc tên là Phạm Thị Thơm. Quê của cô Thơm ở tỉnh Hậu Giang, xa hơn chục cây số, nên cô ăn nghỉ luôn tại nhà vợ chồng chị Mai. Chiều chủ nhật hàng tuần, phòng khám bệnh của vợ chồng chị Mai nghỉ, cô Thơm mới về nhà. Liên tục cô Thơm đăng ký tạm trú.
Thế rồi, ngày 17/12/2008, cảnh sát khu vực của phường Cái Khế đến lập biên bản “về việc không giải quyết tạm trú”. Biên bản này viết: “Căn cứ theo sự chỉ đạo của đồng chí Trưởng công an quận Ninh Kiều và đồng chí Trưởng công an phường An Nghiệp… không cho chị Phạm Thị Thơm tạm trú tại căn nhà 226 Trần Hưng Đạo, phường An Nghiệp và yêu cầu chị Thơm trong vòng 10 ngày phải dọn đi nơi khác”.
Chị Mai vẫn làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, cuối tuần mới về nhà, phải ủy quyền cho cô Thơm trông coi nhà cửa. Khi công an không cho cô Thơm tạm trú, chị Mai gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, mẹ con chị Mai cũng bị xóa hộ khẩu.
Chị Mai đau khổ kêu lên: “Vậy thì tình trạng pháp lý về việc cư trú của mẹ con tôi sẽ như thế nào? Muốn chứng nhận các giấy tờ, giao dịch…phải làm sao”. Từ đầu tháng 11/2008 đến nay, chị Mai làm đơn khiếu nại gửi ngành công an, từ phường lên tới Bộ, nhưng chưa được giải quyết.
Những lời giải thích và sự thật
PV Tiền Phong hỏi trung tá Nguyễn Văn Tám, Trưởng công an phường Cái Khế, về việc xóa hộ khẩu của mẹ con chị Mai và không cho cô Thơm đăng ký tạm trú.
Ông Tám thở dài: “Việc xóa hộ khẩu của cô Thơm là quyền của công an quận, công an phường không biết. Còn không cho cô Thơm tạm trú, trên ép xuống buộc chúng tôi phải làm như thế”.
Ông Tám nói thêm: Trước nay, không cho đăng ký tạm trú mà cảnh sát khu vực đến tận nhà dân lập biên bản, đây là trường hợp thứ nhất.
Thượng tá Nguyễn Minh Chí, Phó trưởng Công an quận Ninh Kiều, giải thích: “Nhà đang có tranh chấp, khiếu nại”. Thế nhưng, TAND quận Ninh Kiều khẳng định, cho đến những ngày cuối 2008, chưa có đơn tranh chấp hay khiếu nại gì về quyền sở hữu căn nhà 226 Trần Hưng Đạo với chị Mai.
PV Tiền Phong gặp thượng tá Nguyễn Công Hảo, Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Cần Thơ. Ông Hảo cho biết: Theo Luật cư trú, chị Mai và con đương nhiên được nhập hộ khẩu vào căn nhà 226, việc nhập khẩu do cấp quận quyết định.
Nhưng xóa tên mẹ con chị Mai trong hộ khẩu là quyền của cấp trên quận, ở đây phải là Công an TP Cần Thơ.
Vụ này có một chi tiết cần nói rõ. Nhà và đất tại số 226, theo hồ sơ giấy tờ, do chồng của chị Mai và một người chị ruột của chồng chị Mai là chị Hầu Thị Bích Liên mua năm 1988. Hộ khẩu căn nhà, chồng chị Mai đứng chủ và có tên chị Liên.
Sau khi chị Mai được cưới về sống ở căn nhà thì chị Liên đi lấy chồng và từ năm 2006, chị Liên theo chồng ra nước ngoài sinh sống. Cuối năm 2007, chồng đã chết, để chuyển hộ khẩu về căn nhà, chị Mai đã cho người giả chữ ký của chị Liên.
Việc này, thượng tá Nguyễn Công Hảo nói: Hồ sơ chuyển hộ khẩu của mẹ con chị Mai thêm chữ ký của chị Liên là không cần thiết, bởi mẹ con chị Mai hoàn toàn có đủ quyền cư trú tại căn nhà, công an địa phương phải nhập hộ khẩu cho mẹ con chị.
Nhưng chị Mai làm giả chữ ký chị Liên là hành vi vi phạm hành chính, cần phạt hành chính và hướng dẫn chị Mai làm lại thủ tục cho đúng, không được xóa tên mẹ con chị Mai ra khỏi hộ khẩu.
Tại sao một việc nhỏ lại hóa ra to? Như đã trình bày, nhà đất do chị em chồng của chị Mai mua năm 1988. Như thế, chủ sở hữu tài sản tại số 226 là chồng chị Mai và chị Liên.
Sau khi chồng qua đời, tháng 2/2008, chị Mai đã khai nhận thừa kế di sản của chồng là một nửa tài sản tại số 226 và được công chứng viên xác nhận. Đột nhiên, xuất hiện “Giấy ủy quyền” đề ngày 1/10/2008 có chữ ký photocopy của chị Hầu Thị Bích Liên.
Giấy này viết: “Tôi là chủ sở hữu căn nhà 226 Trần Hưng Đạo” nên “ủy quyền cho anh trai tôi là Hầu Vĩnh Khang… thay mặt tôi được toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt căn nhà”.
Tờ giấy này được cho rằng viết tại Canada, nơi chỉ Liên đang sống, nhưng không có chứng thực của cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada. Về pháp lý, nó chưa đủ độ tin cậy.
Nhưng có tờ giấy này, ông Hầu Vĩnh Khang đã làm “đơn yêu cầu”, cho rằng: “căn nhà là của cha mẹ tôi đã để cho em tôi Hầu Thị Bích Liên đứng tên chủ sở hữu” và yêu cầu “bà Mai phải tự thu dọn những vật dụng sinh hoạt gia đình ra khỏi căn nhà nói trên”.
Cần khẳng định, chỉ có tòa án mới có đủ thẩm quyền phán quyết về sở hữu căn nhà 226 Trần Hưng Đạo nếu có khiếu kiện. Đến nay, chưa có khiếu kiện ra tòa, không ai có quyền tước đoạt quyền thừa kế di sản hợp pháp của chị Mai, cũng không ai có quyền đuổi chị Mai ra khỏi nơi cư trú hợp pháp ấy.
Và còn có một thực tế khác: Tài sản tại số 226 Trần Hưng Đạo gồm căn nhà chính rộng 103,3m2 phía trước, con hẻm riêng ra khu đất trống với nhà tạm phía sau rộng 185,7 m2. Ngay sau khi chồng chị Mai qua đời, toàn bộ con hẻm, khu đất trống và nhà tạm rộng 185,7 m2 đã bị ông Khang chiếm giữ. Chị Mai chỉ còn căn nhà 103,3 m2. Ông Khang đòi quản lý nốt căn nhà của chị Mai là vô lý.
Sự vô lý ấy càng khó hiểu khi sát vách nhà chị Mai là nhà của bà Hầu Thị Bích Vân, Viện phó VKSND TP Cần Thơ, cũng là chị ruột của chồng chị Mai. Chị Mai viết trong đơn kêu cứu khẩn cấp: “Khoảng tháng 9/2008, chị chồng tôi là Hầu Thị Bích Vân hỏi mượn hộ khẩu của tôi nói để làm thủ tục cho gia đình và giữ luôn không trả lại, sau đó hàng loạt sự việc liên tiếp diễn ra”.
Vấn đề của bài báo này: Quyền cư trú của công dân phải được tôn trọng. Quyền cư trú và quyền sở hữu tài sản là khác nhau, không thể trộn lẫn vào nhau để gây áp lực với người dân. Sổ hộ khẩu cũng như việc đăng ký tạm trú, thuộc lĩnh vực quản lý hành chính, ở đây đã bị lợi dụng cho mục đích khác, tranh chấp tài sản, khiến mẹ con bác sỹ Nguyễn Thị Mai phải khổ sở.