Ngày 5/11, ông Ngô Mạnh Tuấn-Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng năm 1985. Năm 2003, cầu được Bộ GTVT bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý. Đến nay cầu Chương Dương đã có tuổi thọ 33 năm.
Sau khi tiếp nhận, cùng với công tác duy tu, bảo trì hàng năm, Sở GTVT Hà Nội cũng phối hợp với Công an thành phố tổ chức lại giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế.
Với việc tổ chức cho ô tô đi vào làn xe máy ở hai bên, ông Tuấn cho rằng, do thời điểm tiếp nhận khu vực nội thành Hà Nội chỉ có mỗi cầu Chương Dương đi ô tô qua sông Hồng nên mật độ phương tiện rất đông.
Giao thông ở hai làn đường chính dành cho xe ô tô thường xuyên quá tải, ùn tắc kéo dài nên liên ngành GTVT - Công an Hà Nội đã thống nhất đề xuất và được UBND thành phố cho phép ô tô được đi vào làn xe máy ở cả hai bên.
Đề cập đến thời điểm hiện nay khu vực nội thành đã có thêm cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, ông Tuấn cho biết, sau khi có thêm 2 cầu trên toàn bộ xe khách, xe tải từ hướng nội thành đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại đã được phân luồng ra phía cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Với cầu Chương Dương hiện nay ngoài cấm xe tải, xe khách liên tỉnh còn cấm cả taxi chạy giờ cao điểm, tuy nhiên mật độ phương tiện, đặc biệt là ô tô qua cầu vẫn đông, nhất là buổi sáng theo hướng từ Long Biên vào nội thành và buổi chiều thì ngược lại.
Theo khảo sát, phương tiện qua lại cầu Chương Dương vẫn thuộc top cao nhất trong các tuyến đường, nút giao thông lớn trên địa bàn Hà Nội, do vậy việc phần đường giữa cầu Chương Dương dành cho xe ô tô chỉ có 1 làn cho mỗi chiều là quá hẹp, nếu cho ô tô đi hết vào đây sẽ gây ùn tắc kéo dài.
Khi phóng viên đề cập đến thiết kế hai làn đường biên chỉ dành cho xe máy và hệ thống lan can trên cầu cũng chỉ đảm bảo an toàn cho loại xe này, không có bờ bê tông bảo vệ phía ngoài để ngăn ô tô lao ra như cầu Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, ông Tuấn cho rằng, sau sự việc xe ô tô Mercedes đâm đổ lan can cầu Chương Dương lao xuống sông khiến 2 người thiệt mạng, Sở GTVT Hà Nội sẽ rà soát, kiểm tra.
“Đây là vụ tai nạn hy hữu và chưa từng xảy ra trong 15 năm cầu Chương Dương được bàn giao về thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Sở GTVT sẽ rà soát, kiểm tra các thiết bị đảm bảo an toàn tại đây, cùng với đó là công tác tổ chức, phần luồng giao thông. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có những vấn đề bất cập, Sở GTVT sẽ thay mặt liên ngành đề xuất UBND thành phố phương án điều chỉnh lại cho hợp lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.
"Xe đi đúng tốc độ rất khó húc đổ lan can cầu"
Chiều nay, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Cty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội, quản lý cầu Thanh Trì cho biết, việc khắc phục bờ lan can bị ô tô Mercedes húc đổ đã khắc phục ngay trong đêm xảy ra tại nạn, đến hôm nay hệ thống lan can này đã được sơn, kẻ phát quang để đảm bảo cho giao thông đi lại an toàn, thậm chí vào cả ban đêm.
Theo bà Thủy, nguyên nhân chính ở đây thuộc về hành vi của lái xe. Lý giải cho nhận xét này, bà Thủy cho rằng, tốc độ lưu thông đối với ô tô khi qua cầu Chương Dương được quy định là 40km/h, với tốc độ này và lái xe đi đúng với khoảng cách các xe theo quy định thì rất khó để ô tô húc đổ thanh lan can cầu.
Về công tác duy tu, đảm bảo an toàn vận hành cầu Chương Dương, bà Thủy cho biết, tuy là đường xe máy nhưng làn đường 2 bên cầu Chương Dương vẫn có thiết kế cho xe có trọng tải 6 tấn lưu thông. Như vậy, ngoài xe máy, ô tô vẫn được đảm bảo an toàn khi lưu thông trên 2 làn đường bên.
Với công tác duy tu, hàng năm cầu đều được kiểm tra về chất lượng, cùng với đó, đơn vị thường xuyên duy tu, sửa chữa những phần việc theo hợp đồng với Sở GTVT Hà Nội. Với các gia cố, sửa chữa lớn, đơn vị cũng đang phối hợp với Sở GTVT để có phương án triển khai cụ thể trong thời gian tới.
Trước đó, vào khoảng 19h ngày 3/11, một ôtô nhãn hiệu Mercedes đi trên cầu Chương Dương hướng Long Biên về trung tâm Hà Nội. Khi đến nhịp cầu số 19, chiếc ô tô này mất lái, đâm văng vài mét lan can cầu và lao xuống sông Hồng. Sau nhiều giờ tìm kiếm, rạng sáng 4/11, lực lượng chức năng đã trục vớt được xe lên bờ và phát hiện có thể 2 là nữ trong xe.