Sinh viên ồ ạt vay tiền ưu đãi theo 'phong trào'

TP - Nhiều sinh viên ồ ạt vay vốn ưu đãi vì tiền vì lãi suất vay rất thấp, thời hạn vay dài, thủ tục vay thuận lợi hơn hẳn so với vay từ các nguồn khác.
Phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội ngày cao điểm có hơn 200 sinh viên đến xác nhận để đề nghị vay tiền. Ảnh: Minh Tuấn

Quyết định 157 (ngày 27/9/2007) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay tiền để hỗ trợ việc học tập đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều phụ huynh và học sinh, sinh viên. Sau hơn một tháng triển khai, tại nhiều trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội đã có đến hàng ngàn sinh viên đăng ký vay.

Đua nhau vay vốn

Bùi Thị Nga - sinh viên năm thứ ba khoa Phát hành - ĐH Văn hóa cho biết, gia đình của Nga hiện sống tại thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy (Nam Định), không bỏ lỡ cơ hội “ngàn vàng” này. Phần lớn những gia đình có con em đi học đại học, cao đẳng trong thị trấn Quất Lâm đều đăng ký vay tiền theo chính sách mới.

“Lý do các hộ gia đình có con em đi học muốn vay tiền vì lãi suất vay rất thấp, thời hạn vay dài, thủ tục vay thuận lợi hơn hẳn so với vay từ các nguồn khác. Một số gia đình dùng nguồn tiền vay được để bù vào khoản này, “đập” vào khoản kia. Ngay cả sinh viên sử dụng khoản vay này cũng rất khác nhau” - Bùi Thị Nga nói. 

Hầu hết các trường ở Hà Nội đều đang bận rộn với việc xác nhận cho sinh viên vay vốn. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, vào giờ hành chính, ngày nào cũng có cả trăm sinh viên lên xin giấy xác nhận của trường để làm thủ tục vay tiền.

Ông Hoàng Thắng - Phó Phòng đào tạo ĐH Bách khoa cho biết, tính đến chiều 15/11, đã có 3.618 sinh viên của trường làm thủ tục đăng ký vay. Ngày cao điểm, nhà trường phải xác nhận cho hơn 200 trường hợp và chủ yếu là sinh viên ngoại tỉnh. Tại ĐH Thủy lợi, cũng đã có hơn 2.000 sinh viên đăng ký vay.

Ngay như Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tây, mặc dù kế hoạch giao là cho vay 10 tỷ đồng trong học kỳ 1 này nhưng thực tế đến nay đã cho vay đến 23 tỷ đồng. Ngân hàng đang đề nghị trung ương cấp bổ sung thêm 10 tỷ đồng nữa để nâng tổng lượng tiền cho vay theo chương trình này tại Hà Tây lên đến 33 tỷ vào cuối tháng 12 tới.

Những băn khoăn

Tiền đã đến tay nhiều sinh viên. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cần sớm được quan tâm giải quyết.

Ông Nguyễn Chí Tuệ - Trưởng phòng công tác chính trị và quản lý sinh viên - ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội khẳng định: Hoàn toàn ủng hộ chủ trương cho sinh viên nghèo vay tiền học tập.

Nhiều ngày gần đây ông Tuệ đã ký xác nhận cho hàng trăm sinh viên về địa chỉ lớp học, về tư cách sinh viên, về nhân thân như không vi phạm pháp luật, không nghiện ma tuý, không trộm cắp...để sinh viên gửi về quê hoàn tất hồ sơ xin vay. Tuy nhiên, quyết định cho vay cuối cùng phụ thuộc vào ngân hàng và xác nhận của UBND cấp xã phường tại các địa phương.

Ông Nguyễn Chí Tuệ cũng thẳng thắn bày tỏ lo ngại khi xuất hiện một số biểu hiện “nhà nhà đi vay, người người đi vay” theo kiểu chạy theo “phong trào”.

“Để tránh tình trạng cho vay kiểu phong trào có thể phát sinh tại một số nơi, theo tôi ngành ngân hàng phải quy định thật chi tiết, khoa học. Rút kinh nghiệm như mấy năm trước, cho vay không qua gia đình, khi sinh viên ra trường, không biết địa chỉ nào mà tìm, dẫn đến nợ không có người trả!

UBND cấp xã và cơ sở phải xác nhận chính xác, đảm bảo khách quan và công bằng cho mọi đối tượng. Nếu vì lý do thân quen, họ hàng ở quê mà địa phương xét cho vay không đúng đối tượng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương này...” - Ông Tuệ nhấn mạnh.

Ông Dương Văn Bá - Trưởng phòng công tác chính trị và quản lý sinh viên -  ĐH Thủy lợi cũng đề nghị cần quản lý chặt hơn việc xác nhận của UBND cấp xã phường về hoàn cảnh gia đình, mức thu nhập của bố mẹ sinh viên để cho vay đúng đối tượng, ngăn chặn tâm lý vay mà không nghĩ đến trách nhiệm trả nợ.

Với những sinh viên đã được hưởng một số chính sách ưu đãi khác (như con thương binh, liệt sỹ...được miễn giảm học phí), thì cũng cần quy định mức vay phù hợp để đảm bảo công bằng.

Ông Bùi Quang Vinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tây cho rằng, cùng với việc mở rộng đối tượng vay là sinh viên hệ đại học tại chức, hệ từ xa thì khả năng thu hồi vốn sau 4 - 5 năm tới lại thêm khó khăn.

Nguyên nhân, theo ông Vinh, là cơ hội tìm  việc làm sau khi tốt nghiệp của những sinh viên học hệ này thấp hơn so với sinh viên chính quy dài hạn tập trung tại các trường có uy tín và đang được xã hội cần.

Theo chúng tôi, một vấn đề khác là bản thân các trường khi xác nhận tư cách sinh viên cũng chỉ có tính chất “tương đối” vì hầu hết sinh viên ở ngoại trú hoặc thuê nhà bên ngoài trường nên việc kiểm soát và nắm tình hình sinh viên thực hiện pháp luật là điều không đơn giản.