Dương cao ngọn cờ Chiến dịch
Bão YAGI (bão số 3) mang theo mưa lớn và gió giật rất mạnh, càn quét gây nhiều thiệt hại khu vực miền Bắc nước ta. Tại Thái Bình có 28.000 ha lúa mùa bị thiệt hại từ 30 – 70%, 27.000 ha bị thiệt hại trên 70%.
Trong đó, diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha; 585 ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu vụ hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng 30-70%; 2.760 bị ảnh hưởng trên 70%; 1.215 ha cây ăn quả, chuối... bị ảnh hưởng 30-70%, 170ha bị ảnh hưởng trên 70%. Cũng theo thống kê sơ bộ ban đầu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố…
Tiếp tục phát huy xung kích tình nguyện, Tỉnh Đoàn Thái Bình đã khẩn trương triển khai nhiều đội hình triển khai nhiều hoạt động tham gia khắc phục hậu quả do bão số 3. Nhiều đội hình xung kích tình nguyện nhanh chóng được thành lập mới thu hút hàng nghìn đoàn viên thanh niên tham gia.
Sớm 8/9, đội hình xung kích gồm hơn 200 sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Thái Bình làm lễ ra quân gọn nhẹ và giương cao lá cờ Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè của tổ chức Đoàn – Hội hướng về cơ sở.
Chuyến xe với dòng chữ “Tuổi trẻ Thái Bình xung kích, tình nguyện vì cộng đồng” đã đưa nhiều “chiến sĩ áo xanh” về huyện Hưng Hà – có diện tích lớn lúa bị ngập nước, ảnh hưởng mưa bão của Thái Bình.
Bạn Trương Vũ An (SN 2002) - sinh viên năm thứ 5 ngành Bác sĩ Đa khoa, Trường ĐH Y Dược Thái Bình là một trong những “áo xanh” về huyện Hưng Hà. An cho biết, đợt tình nguyện này đột xuất, nhưng không bất ngờ.
“Đây là lần thứ ba tôi tham gia đợt tình nguyện khắc phục hậu quả thiên tai, mưa bão. Lần đầu tiên tôi tham gia hỗ trợ người dân sau mưa bão khi đang học THPT. Vì vậy, nhận được thông báo tình nguyện khắc phục hậu quả bão YAGI, tôi đã đăng ký tham gia ngay với mong muốn góp sức giảm thiểu thiệt hại cho bà con”, An bộc bạch.
Ấn tượng của Trương Vũ An và nhiều thành viên xuống cơ sở giúp dân là khung cảnh nhà cửa xiêu vẹo, ngổn ngang cây đổ gãy, ruộng lúa đổ rạp ngập nước… Điều này càng khiến các “áo xanh” nỗ lực góp sức cùng các lực lượng, người dân khắc phục hậu quả mưa bão.
Dù thời tiết mưa rải rác, “áo xanh” bì bõm trên những cánh đồng ngập nước để gặt diện tích lúa chín, cũng như buộc túm những cây lúa bị đổ rạp để tránh bông thối, mọc mầm hay sinh rầy gây hại. Người ướt nhẹp vì mồ hôi lẫn nước mưa, nước ruộng nhưng các tình nguyện viên đều động viên nhau cùng nỗ lực giúp bà con.
Hơn 12.000 đoàn viên, thanh niên ứng phó bão
Anh Thiệu Minh Quỳnh – Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Bình cho biết, với tinh thần sẵn sàng, chủ động ứng phó bão, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tăng cường các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả bão số 3. Hiện trên địa bàn tỉnh có 335 đội hình với hơn 12.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia.
Theo anh Quỳnh, ngay sau bão số 3 vào đất liền và ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh, các đội hình tình nguyện đã tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nhiều nội dung, phần việc như: thu dọn cây gãy đổ, giải toả các tuyến đường bị ách tắc, tháo úng, dọn dẹp vệ sinh. “Sau một ngày ra quân, tất cả tuyến đường bị ách tắc do cây đổ, chặn đã được giải toả”, anh Quỳnh nói.
Anh Quỳnh cho biết, trong những ngày tới, các đội hình thanh niên tình nguyện tiếp tục hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, lúa mùa, buộc lúa, tháo úng; phối hợp với lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tỉnh Đoàn cũng chỉ đạo các huyện, thành Đoàn thực hiện các phần việc giải cứu nông sản cho người dân.
Trước đó, ngày 6/9, T.Ư Đoàn có công văn đề nghị các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc khẩn cấp ứng phó với bão số 3.
Trong đó, T.Ư Đoàn đề nghị các tỉnh, thành Đoàn chỉ đạo 100% Đoàn Thanh niên các cấp, đặc biệt những nơi cảnh báo có nguy cơ cao về mưa lũ, sạt lở, lũ quét... củng cố các Đội Thanh niên tình nguyện xung kích, chuẩn bị dụng cụ phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phù hợp với điều kiện thực tế sẵn sàng tham gia công tác hỗ trợ theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy các cấp.
Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, kết nối và vận động nguồn lực để hỗ trợ cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và bà con nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3, các gia đình có người mất, bị thương, có thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu; tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thu hoạch mùa màng, chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, vật nuôi...
Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc báo cáo thường xuyên và kịp thời tình hình ứng phó thiên tai và thiệt hại của địa phương về Ban Bí thư T.Ư Đoàn qua Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn.