> Tất cả là phóng viên chiến trường
> Tiên phong trong thể loại điều tra chống tiêu cực
Đến bây giờ tôi vẫn lưu giữ những tờ báo có đăng tin về quyết định của Bộ Văn hóa Thông tin (trước đây) thu hồi thẻ nhà báo của tôi và 2 đồng nghiệp báo khác, cùng trong một vụ đưa tin tai nạn giao thông chết người tại Đà Nẵng liên quan sự truy đuổi của lực lượng chức năng. Quyết định có nội dung: vì đã “thông tin sai sự thật”…
Nhiều năm đã qua, nhắc lại như một câu chuyện buồn, và cũng là bài học. Rằng nhà báo, làm cách nào để không bị thu hồi thẻ nhà báo.
Kể thêm một chuyện nữa. Tháng 10/2012, ông Lữ Ngọc Cư chính thức bị Trung ương cho thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Trước đó vài tháng, ông Cư đã bị Ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật cảnh cáo, vì có nhiều khuyết điểm, sai phạm trong quá trình lãnh đạo, quản lý, bản thân đứng tên vay ngân hàng với số tiền lớn, để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất… Những vi phạm được cấp trên khẳng định là “nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và uy tín của cá nhân”. Thế nhưng, từ năm 2004, báo Tiền Phong (cũng là tờ báo duy nhất thời điểm đó) lên tiếng về một vụ sai phạm do ông Lữ Ngọc Cư (khi đó còn là giám đốc Công an tỉnh) chỉ đạo, liên quan việc sử dụng sai ngân sách trái quy định của Chính phủ. Dù bài báo dựa trên kết luận thanh tra của chính ngành chức năng tỉnh này, nhưng tôi - tác giả - lại bị cơ quan an ninh phía Nam triệu tập “hỏi han” suốt một tuần, chỉ xoáy quanh “ai cung cấp tài liệu” ?! Vụ việc sau đó cũng bị “bỏ lửng”, không thấy đưa ra kết luận gì. Nhưng điều đáng tiếc nhất, đó là giá như khi đó trên cơ sở báo chí phản ánh, công tác cán bộ có cái nhìn kiên quyết và thấu suốt hơn, không “bỏ lửng”, thì có lẽ đến giờ sẽ không có cái án kỷ luật cùng hậu quả nêu trên.
Áp lực với nhà báo có thể đến từ bất kỳ đâu. Nhưng với người cầm bút, cứu cánh không phải là sinh mệnh của một tấm thẻ, suất lương tòa soạn hay những đồng nhuận bút. Mà là sinh mệnh của công lý và lẽ phải vốn rất dễ bị che chắn, bao biện, làm cho lệch hướng. Vụ án tù oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Tiền Phong cũng là tờ báo hiếm hoi từ 7 năm trước đã có bài kêu oan cho ông. Hầu như không báo nào tham gia. Thậm chí mới đây, vài tháng trước khi ông Chấn được minh oan, mặc cho cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát lại vụ án, thì có tờ báo của chính ngành luật pháp vẫn còn “kết tội” ông một cách hùng hồn, đanh thép!…
Nhưng với người cầm bút, cứu cánh không phải là sinh mệnh của một tấm thẻ, suất lương tòa soạn hay những đồng nhuận bút. Mà là sinh mệnh của công lý và lẽ phải vốn rất dễ bị che chắn, bao biện, làm cho lệch hướng.
Cứu cánh của ngòi bút cũng chính là sinh mệnh con người. Nhà báo tất nhiên cũng là con người. Nhưng nhà báo chỉ là những con số quá bé nhỏ so với đông đảo con người phía sau lưng. Họ là bạn đọc, đồng thời cũng là đối tượng phản ánh. Chúng ta nói nhiều về thiên chức nghề báo. Nhà báo không chỉ phát hiện tôn vinh những bóng anh hùng, mà lớn hơn là nhìn thấy đằng sau đó bóng con người.
Đang nói đến mặt trái của báo chí. Trong xã hội quá nhiều phức tạp, trắng đen, tốt xấu đan cài này, những số phận ấy thật dễ tổn thương, dù là người của công chúng, hay những con người nhỏ bé, ẩn khuất. Khi chỉ với sự vội vàng quy chụp, hay sơ ý nhầm lẫn nhỏ trong một mẩu tin, cũng đủ khiến họ và bao người thân đổ sụp, rơi vào bi kịch. Có lẽ không cần dẫn chứng, bởi vẫn diễn ra đều đều, nhất là trên các trang mạng, báo điện tử đang ào ạt sinh sôi hiện nay. Có thể nói đã có sự bất chấp, vượt qua mọi ranh giới đạo đức nghề nghiệp của nhiều cây bút báo mạng tìm mọi cách để câu khách, mà không biết với thứ thông tin dựng đứng ấy đang làm nên một thứ “bút máu” đầy ghê sợ.
Ở một ngôi nhà cổ Hội An đang giữ một chiếc chén tương truyền là “chén Khổng Tử”. Chiếc chén bình thường như mọi chén uống trà, bề ngoài không thấy có dấu vết gì đặc biệt. Nhưng lại chứa đựng một bí ẩn sâu xa. Đó là không thể rót đầy nước vào đó. Hễ rót quá tám phần chén, tức khắc toàn bộ nước tháo hết ra ngoài qua đáy. Tôi cầm trên tay chiếc chén, chợt nghĩ về chữ “cập” của báo chí. Cập và bất cập. Bất cập và thái quá. Không hoàn toàn ủng hộ thuyết Trung dung của họ Khổng mà chiếc chén là hình ảnh minh họa độc đáo. Không có chỗ trung dung cho báo chí, cả thiết chế xã hội và mọi hành xử cũng phải vậy. Như cụ Phan Khôi, cũng là một ký giả lão luyện từng chỉ thẳng: “Xã hội ta chịu lấy cái ảnh hưởng trung dung ấy mà hóa ra một cái xã hội ương ương dở dở, trắng không ra trắng, đen không ra đen”. Nhưng thấy những gì đang cập nhật trên báo chí hiện nay còn quá nhiều bất cập. Thậm chí nhiễu loạn, hỗn loạn, sống sít phản cảm về thông tin, hình ảnh trên các trang báo mạng. Thiên chức nghề báo, sinh mệnh con người bị coi nhẹ.
Nguyễn Thị Hồng Sen, nữ nhà báo trẻ của Đài truyền thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vừa hy sinh trên đường tác nghiệp bão Haiyan. Trong gió mưa, đêm tối, trên đường từ cơ sở về lại đài để thực hiện bản tin báo bão, cô đã bị chiếc xe khách chạy ẩu đâm phải. Gia cảnh khó khăn, cả bố mẹ chồng già, cùng người chồng thất nghiệp và đứa con nhỏ trông vào suất lương hơn 2,3 triệu của nữ phóng viên đài huyện ấy.
Một chi tiết ít ai để ý, đó là phóng viên đài huyện chưa bao giờ được cấp thẻ nhà báo. “Thẻ” của họ chỉ có tờ Quyết định tuyển dụng biên chế của huyện, hoặc tờ hợp đồng lao động. Không thể kè kè thứ “thẻ” không giống ai ấy trong người khi tác nghiệp. Nhưng biết bao phóng viên đài huyện vẫn đêm ngày vẫn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió hiểm nguy, và là người làm nên những bản tin đầu tiên nóng hổi thời sự từ hiện trường. Không chỉ đương đầu với thiên tai, bão lũ, họ còn thường xuyên phải đối mặt với nạn hành hung trả thù của côn đồ, lâm tặc, nhiều người chịu thương tật suốt đời.
Những nhà báo không thẻ như Hồng Sen không bao giờ nghĩ đến sinh mệnh của tấm thẻ. Họ chỉ biết luôn cố gắng đem lại những gì tốt đẹp, ích lợi nhất cho người dân của mình.