Siêu dự án chống ngập lại lùi thời gian hoàn thành đến tháng 12

TPO - Do UBND huyện Nhà Bè chưa bàn giao mặt bằng thi công vào cuối tháng 6 như đã cam kết với UBND TPHCM, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” tiếp tục trễ hẹn thêm 2 tháng, không thể hoàn thành cuối tháng 10/2020 như kế hoạch.   

Sáng 22/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã thị sát công trường và phát lệnh thi công lắp đặt cửa van thứ 2 Cống ngăn triều Cây Khô (huyện Nhà Bè) trên sông Cần Giuộc, kết nối giữa huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1”.

Để đến được khu vực công trường, đoàn công tác của UBND TPHCM do Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan dẫn đầu phải di chuyển bằng ca nô 

Cống Cây Khô có khẩu độ 80 m với 3 trụ pin, 2 cửa van cống, 1 âu thuyền và 1 khu nhà quản lý. Mỗi cửa van nặng 230 tấn, khẩu độ gần 42 m, cao 8,5 m. Thời gian lắp đặt cửa van vào trụ pin cống kéo dài khoảng 9 giờ.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (Nhà đầu tư) cho biết các kỹ sư và công nhân đã có mặt trên công trường từ 3h sáng. Trước khi lắp đặt, các chuyên gia phải khảo sát, tính toán chế độ thủy triều. Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành 87 - 88% khối lượng và không thể về đích trong tháng 10. Công việc còn lại không lớn, chủ yếu là xây kè xung quanh các cống ngăn triều, tuy nhiên, dự án còn phải chờ bàn giao mặt bằng của khoảng 36 hộ dân thuộc huyện Nhà Bè.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan kiểm tra quá trình lắp cửa van cống ngăn triều sáng 22/8

"Hiện nay tiền đền bù đã có, phương án đền bù cũng đã lên. Người dân cũng đồng thuận, chỉ còn vướng khâu thẩm định giá nên chưa thể đền bù cho người dân. Nếu huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng trong tháng 8, chúng tôi sẽ nỗ lực thi công và hoàn thành công trình vào giữa tháng 12/2020”, ông Tiến nói và cho biết nhà đầu tư cam kết đảm bảo chất lượng công trình trong 5 năm thay vì 3 năm như UBND TPHCM yêu cầu. Nếu được chọn làm đơn vị vận hành, nhà đầu tư sẽ gắn bó trong suốt tuổi thọ của công trình.

Cửa van cống kiểm soát triều Cây Khô đang được lắp đặt vào trụ pin bằng hệ thống cần cẩu siêu trường, siêu trọng 

Chia sẻ với những khó khăn mà chủ đầu tư phải vượt qua như vướng mặt bằng, vốn, tổ chức thi công, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thừa nhận dự án nhiều lần trễ hẹn khiến người dân tâm tư, lo lắng. Với nỗ lực của thành phố, các sở ban ngành, quận huyện, chủ đầu tư đã từng bước tháo gỡ, vượt qua những khó khăn.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm xem xét, xử lý việc gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án theo đúng quy định, không để ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án.

Theo Phó chủ tịch Võ Văn Hoan, để tăng tốc, kịp đưa dự án hoàn thành vào tháng 12 nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025), còn nhiều việc quan trọng cần làm, như: Phê duyệt phương án tổ chức quản lý vận hành dự án; kiểm tra, kiểm toán đánh giá quá trình đầu tư làm cơ sở quyết toán sau này; chuẩn bị đề án tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành dự án; xây dựng danh mục khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký kết; xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống ngập khi cống ngăn triều hoạt động…

Mỗi cửa van cống Cây Khô có trọng lượng 230 tấn

“Khi dự án hoàn thành, quá trình vận hành đóng các cống kiểm soát triều, khu vực trung tâm TPHCM sẽ giảm ngập nhưng có khả năng các khu vực bên ngoài phạm vi của dự án sẽ ngập do mực nước bên ngoài kênh sẽ dâng cao hơn mỗi khi cống đóng lại”, ông Hoan cho hay.

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” có 7 hạng mục, gồm 6 cống ngăn triều lớn khẩu độ 40 - 160 m tại cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và hạng mục 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m, trải dài qua các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Cửa van cống đã được lắp vào trụ pin.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng điện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Ngoài ra, dự án giúp điều tiết mực nước trong kênh rạch với khả năng tiêu thoát nước đô thị ra các sông lớn thông qua hệ thống bơm được lắp đặt ở các cống thuộc dự án. Bên cạnh đó, công trình sẽ hỗ trợ trữ nước trong vùng bảo vệ của dự án khi triều cường xuống thấp, giảm mùi hôi từ bùn thải, kết hợp chống sạt lở bờ sông và cải tạo cảnh quan, môi trường…