Siêu bão Mangkhut mạnh 'khủng khiếp' như thế nào?

TPO - Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, xác suất siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An lên tới 70-80%. Siêu bão này được dự báo có vùng ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, gây ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm gồm mưa rất lớn, gió rất mạnh và nước triều dâng rất cao.  

Mạnh tương đương bão Hải Yến năm 2013.

Ông Lê Thanh Hải cho biết, bão Mangkhut đang ở thời điểm mạnh nhất ở cấp 16,17. Theo phân loại bão, cơn bão này được xếp vào nhóm siêu bão (từ cấp 16 trở lên).

Tất cả các mô hình dự báo hiện nay đều cho rằng, bão sẽ hướng về phía bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc, Khoảng sáng thứ 7 sẽ đi vào Biển Đông. Khi tương tác với đảo Luzon (Philipines), bão có khả năng giảm đi một chút , có khả năng khi vào bắc Biển Đông, bão giảm 2 cấp là 14, 15, giật cấp16,17. Khi tiến sát vào Lôi Châu, bão có khả năng giảm thêm 1,2 cấp nữa.

Theo ông Hải, cơn bão này có phạm vi ảnh hưởng rất rộng nên khi vào đến phía bắc vịnh Bắc bộ, vùng gió mạnh cấp 10 bao kín cả vịnh Bắc bộ, mạnh khoảng cấp 12. Có 2 kịch bản về đường đi của bão. Một kịch bản là đi về phía bắc của vịnh Bắc bộ. Kịch bản 2 là đi thấp hơn, vào giữa vịnh Bắc bộ. Kịch bản đi về phía bắc vịnh Bắc bộ khoảng 60% trong khi kịch bản giữa vịnh Bắc bộ khoảng 40%. Về cường độ thì tương đối khó, bão có thể mạnh cấp 11, 12 giật 14,15 trên vịnh Bắc bộ nhưng có thể giảm thêm khi bị ảnh hưởng của đảo Hải Nam và vùng ven bờ.

Cũng theo ông Hải, cơn bão này tương đương với cơn bão Hải Yến năm 2013, gây một thảm họa gần 7000 người chết ở Philipines. Nguyên nhân chính là nước dâng do bão lớn như sóng thần, tới 7,5m. Ngoài Mangkhut, bắc bán cầu đang có một loạt cơn bão, một ổ ở Đại Tây Dương với 3 cơn, phía đông Thái Bình Dương 2 cơn, tây Thái Bình Dương có 3 cơn.

Mưa rất lớn, gió rất mạnh và nước triều rất cao

Theo ông Hải, khả năng siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An là rất lớn, xác suất lên tới 70-80%. Đáng lưu ý là gió mạnh sóng lớn trên vịnh Bắc bộ, bắt đầu từ sáng sớm ngày chủ nhật, kéo dài đến sáng sớm thứ 2. Trưa và chiều thứ 2 ảnh hưởng trực tiếp đên Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Thậm chí rìa nam của cơn bão có thể ảnh hưởng đến Quảng Trị.

Một nguy hiểm nữa, theo ông Hải là những cơn bão rất mạnh có nước dâng rất mạnh. Thời điểm trưa thứ 2, thủy triều cao nhất, kết hợp với bão, nước biển có thể dâng lên 4-6m, đê biển vùng từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Nghệ An cần lưu ý. Tại vùng đông bắc, hoạt động du lịch và khai thác hải sản khá nhộn nhịp nên phải có cảnh báo sớm để có phương án phòng chống, di dời càng sớm càng tốt.

Một điểm nguy hiểm khác là từ chiều thứ 2, do ảnh hưởng của bão, xuất hiện một đợt mưa rất lớn, Thời gian mưa dồn dập là 17,18/9. Vùng trung tâm mưa có sự dịch chuyển. Ngày 17, cơn bão ở phía đông Bắc bộ nên mưa tập trung chính ở đông Bắc bộ và bắc Thanh Hóa, sau đó mưa lan rộng theo sự dịch chuyển của cơn bão ra khu vực phía tây gồm tây Bắc bộ, tây Bắc Trung bộ và vùng Thượng lào. Tổng lượng mưa cả đợt khoảng 300-400mm.

Theo ông Hải, bây giờ đang là cuối mùa mưa, nước trên các hồ chứa khá cao nên đợt mưa này có thể gây thêm nhiều lo ngại. Ví dụ, hồ chứa Thủy điện Hòa Bình cho phép 117 mét mà bây giờ đang là 116,98, tức là không còn chỗ trữ nữa. Năm ngoái tháng 10 có một trận mưa lớn, riêng hồ Hòa Bình phải mở 8 cửa nhưng may là chỉ mưa ở hồ Hòa Bình chứ hồ Sơn La không mưa. “Trong đợt mưa này, trường hợp này cả 2 hồ đều mưa thì đây là tình huống phải có sự chỉ đạo, chỉ huy linh hoạt”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, cơn bão này sau khi vào Biển Đông sẽ đi tương đối nhanh, khoảng 20km/giờ. Vì vậy chỉ còn khoảng 2 ngày nữa cho công tác chuẩn bị phòng chống. Ông Lưu ý, do dự báo cường độ bão rất khó nên người dân nên cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo.