Đề thi Ngữ Văn khối D nêu vấn đề về thái độ với thần tượng: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa".
Với đề như vậy, nhiều thí sinh dự thi tại ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Hành chính cho rằng, đây là một câu hỏi thú vị, dễ viết và mang tính thời sự.
Ra khỏi phòng thi, bạn Hải Triều, học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, đề thi môn Ngữ Văn sáng nay vừa sức và em làm bài khá tốt.
Triều cũng rất hồ hởi với câu hỏi nghị luận văn học về “ngưỡng mộ thần tượng” là hay và dễ viết.
“Em làm hơn 30 phút là hoàn thành câu nghị luận. Còn phần tự chọn, em làm về văn xuôi. Với đề này, em làm bài khá tốt, hy vọng đạt điểm khá trở lên”- Triều cho biết thêm.
Theo thí sinh Lê Thị Khánh Linh (SBD 70203, dự thi ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng), câu hỏi về "thần tượng" rất phù hợp với bối cảnh hiện nay khi có nhiều trào lưu, chạy theo thần tượng từ cách ăn mặc đến lối sống, cách thể hiện chưa phù hợp.
“Em liệt kê một số thần tượng trong các lĩnh vực âm nhạc, thời trang, người mẫu để đến kết luận một điều: thần tượng có thể nổi tiếng ở những lĩnh vực nhất định, nhưng chưa chắc đã đại diện cho lối sống mẫu mực, đáng để học theo. Vì vậy, mê muội chạy theo thần tượng là điều không đúng”, thí sinh Phạm Thị Thảo Trang (dự thi khối D, ĐH Kinh tế Đà Nẵng), nói.
Đề thi Ngữ Văn khối C yêu cầu viết đoạn văn 600 chữ, nêu ý kiến về quan niệm: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu" cũng khiến nhiều học sinh rất hứng khởi.
Theo thí sinh Hoàng Thành (dự thi ĐH Sư phạm Đà Nẵng), đề văn ấn tượng nhất ở câu về “Kẻ cơ hội" và "Người chân chính".
“Đề bài hay, giàu tính xã hội, nếu khả năng liên tưởng và vận dụng tốt các tư liệu từ thực tiễn đời sống hiện nay thì thí sinh làm bài rất thoải mái. Em rất tâm đắc với phần làm bài thi ở câu này. Có rất nhiều cách, dẫn chứng để mình liên hệ từ kẻ cơ hội để làm nổi bật về giá trị của người chân chính trong bối cánh hiện nay” – thí sinh Thành nhấn mạnh.
Trước đó, 8h45, thí sinh thi khối B cũng đã hoàn tất bài thi môn Sinh học theo hình thức trắc nghiệm.
Đỗ Thắm (quê Thái Bình) thi vào ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, đề thi không quá khó.
Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh rời phòng thi môn Sinh học từ khá sớm nhưng vẫn tỏ rõ sự căng thẳng.
Đức Toàn (quê Quảng Ngãi), thi tại Hội đồng trường THCS Kim Đồng (Đà Nẵng), cho biết, đã cố hết sức nhưng chỉ làm được khoảng 60% bài làm, dù môn Sinh Toàn đầu tư khá nhiều thời gian học và ôn tập.
Đề quá nhiều lý thuyết nên chỉ cần chăm học chứ thực sự không phải giỏi sẽ làm tốt” – Toàn nói.
Theo các thí sinh, đề Sinh học vẫn có nhiều câu khó, mang tính phân loại học sinh. “Như ở câu 9, đề 415 với yêu cầu tính F lai. Để tính câu này cần nắm kỹ các phép lai, các định luật” – Toàn phân tích.
Cấp cứu thí sinh ngất xỉu
Sáng 9-7, tại hội đồng thi CĐ Công nghệ (TP Đà Nẵng), một thí sinh ngất xỉu khi đang làm bài thi môn Sinh học (khối B).
Khoảng 15 phút trước khi hết giờ làm bài, thí sinh Trần Thị Tuyền (Khối B, dự thi ĐH Sư phạm) bất ngờ ngất xỉu. Ngay lập tức, các giám thị báo lên điểm thi kịp thời đưa thí sinh sơ cứu, ổn định trật tự phòng thi.
Hơn mười phút sau, thí sinh tỉnh lại, nhưng không trở lại phòng thi, vì trước đó thí sinh này kết thúc bài thi của mình.
Nguyên nhân ban đầu xác định, do áp lực thi cử, thí sinh thức đêm, cộng thêm thời tiết oi bức khiến thí sinh mệt mỏi, choáng váng và ngất xỉu.
Theo báo cáo của Ban tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, đến hết môn thi đầu tiên, sáng 9 - 7, ĐH Đà Nẵng đạt tỷ lệ 89% thí sinh đến dự thi trong tổng số hơn 19.000 thí sinh đăng ký dự thi đợt 2.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh cho hay: đơn vị quán triệt đến các điểm thi, cán bộ coi thi kiểm soát chặt vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, đặc biệt là điện thoại di động.
Buổi thi đầu tiên không có thí sinh vi phạm quy chế về điện thoại di động, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.