Sẽ xử lý hình sự

TP - Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số điều quy định về các loại tội phạm môi trường của Bộ luật Hình sự (BLHS), tạo căn cứ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này.
Cơ quan chức năng phát hiện một kho thịt bẩn tại Hà Nội. Ảnh: L.D.

Có luật, nhưng khó xử lý

Theo cơ quan chức năng, hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến với những thủ đoạn hết sức tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường và đời sống con người.

Năm 2009, BLHS 1999 đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó có các tội phạm về môi trường, nhưng thực tiễn áp dụng các quy định này đang gặp khó khăn, khi một số quy định còn khái quát, chưa được hướng dẫn cụ thể.

Đặc biệt, các quy định thiếu thống nhất trong việc xác định rõ ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự, phân loại mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để áp dụng các chế tài cho chính xác.

Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số điều tại Chương XVII “Các tội phạm về môi trường” của Bộ luật Hình sự, gồm có 3 chương 11 điều, trong đó Chương II gồm 9 điều hướng dẫn thi hành 9 điều luật.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể từng dấu hiệu cấu thành tội phạm, yếu tố định tội, định khung hình phạt của mỗi điều luật.

Khi hướng dẫn tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dự thảo Thông tư còn xác định cụ thể từng mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra đối với môi trường.

Cụ thể, dự thảo Thông tư xác định môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng khi thuộc một trong các trường hợp: Hàm lượng của một hoặc nhiều hóa chất, kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 3 lần đến dưới 5 lần hoặc hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần.

Nhiều hành vi sẽ bị xử lý

Đối với những điều luật có quy định yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác, dự thảo Thông tư đã xác định hậu quả do hành vi phạm tội về môi trường gây ra là đối với tính mạng, sức khỏe con người và những thiệt hại về tài sản do thiệt hại thực tế xảy ra cũng như kinh phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, về tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 BLHS), dự thảo Thông tư nêu rõ, gây tổn hại cho sức khoẻ đến dưới năm người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; gây tổn hại cho sức khoẻ của dưới năm người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 11% đến 30 % và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 150 triệu; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng... sẽ bị xử lý hình sự.

Tương tự, về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186 BLHS), dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, người nào có hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là một trong các hành vi sau: Cố tình mua bán, giết mổ, chế biến động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, chết vì bệnh truyền nhiễm hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người; Người bị nhiễm bệnh không thực hiện các quy định về phòng ngừa bắt buộc để tránh lây lan dịch bệnh cho người khác; Cố tình đưa người bị nhiễm bệnh ra khỏi khu vực điều trị hoặc khu vực cách ly của người bệnh; Cố tình mang ra khỏi vùng có dịch các loại thức ăn chăn nuôi, công cụ chăn nuôi, chất thải động vật có khả năng truyền bệnh nguy hiểm cho người; Cố tình không cách ly hoặc không chấp hành quy định xử lý động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm... Tất cả những hành vi trên đều sẽ bị xử lý hình sự.

Theo Báo giấy