ngân sách Nhà nước năm 2011. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bội chi 5,3%
Theo nghị quyết này, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 là 595.000 tỷ đồng, nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 chuyển sang thì tổng thu là 605.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn là 725.600 tỷ đồng. Như vậy, mức bội chi ngân sách nhà nước là 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.
Trước lo ngại của nhiều đại biểu về dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia đang ở mức cao, đề nghị giảm mức bội chi xuống dưới 5% GDP, Ủy ban Thường vụ Quốc cho rằng, nếu mức bội chi là 5% GDP thì trong chỉ đạo thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn do phải điều chỉnh lại thu, chi ngân sách của nhiều địa phương. Tuy nhiên, trường hợp thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán, thì sử dụng ít nhất 30% số vượt thu ngân sách T.Ư để giảm bội chi. Trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước cần có giải pháp để giảm dần bội chi ngân sách trong các năm sau.
Quốc hội yêu cầu, thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách. Xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác...
Tăng lương tối thiểu
Trong nghị quyết này, Quốc hội đã đồng ý, từ 1- 5- 2011, điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng. Tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%; phụ cấp thâm niên ngành giáo dục.
Quốc hội tán thành, trong năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Trả lời ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng mức phát hành này quá lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: "Trong các năm qua, do việc mở rộng mục tiêu, tăng cường cơ sở hạ tầng nên nhiều công trình, dự án đang triển khai, cần bổ sung kinh phí. Phát hành trái phiếu chính phủ cũng là 1 kênh huy động vốn trong xã hội, góp phần giảm lạm phát".
Tuy nhiên, đây là nguồn đi vay, do vậy, Quốc hội đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, cần đến đâu phát hành đến đó, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, có kế hoạch hợp lý trả nợ gốc và lãi hàng năm... Các địa phương tích cực khai thác, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn khác để thực hiện dự án, công trình được T.Ư hỗ trợ bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Trước tình trạng nợ công tăng cao, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các khoản chi trong cân đối ngân sách nhà nước và các khoản chi được quản lý qua ngân sách nhà nước, vay về cho vay lại, bảo lãnh vay của Chính phủ…
Đặc biệt, quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, kể cả khoản vay trong và ngoài nước, bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng ngân sách, tài sản và nguồn vốn khác của nhà nước.