Sẽ tăng giá 350 dịch vụ y tế
> 'Xé rào' viện phí, bệnh viện vẫn kêu lỗ
> Tăng viện phí: Cần lộ trình chống sốc
Bộ Y tế đang hoàn tất việc đưa ra khung giá mới đối với hàng trăm dịch vụ y tế, trong đó có không ít dịch vụ tăng đến 10 lần.
Liên tục trong vòng 10 năm trở lại đây, hầu như năm nào Bộ Y tế cũng đặt vấn đề điều chỉnh viện phí. Ban soạn thảo đề án viện phí mới của Bộ Y tế cho biết, sẽ kiến nghị điều chỉnh giá 350 dịch vụ có giá thanh toán thấp vì khung giá của 350 dịch vụ này ban hành từ 1995.
Theo tính toán của Bộ Y tế, viện phí hiện nay thu theo dịch vụ, nên nếu có điều chỉnh viện phí thì chỉ người bệnh nào sử dụng các dịch vụ trong số 350 dịch vụ này mới phải trả thêm tiền. Về mức tăng cụ thể, trong số 350 dịch vụ, 220 dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7-10 lần.
Tăng để bù chi
"Có rất nhiều bệnh viện tư nhân vẫn đang tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT và cũng chỉ được thanh toán với cùng mức giá như với bệnh viện công lập nhưng không thấy họ kêu lỗ" - Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT
Nguyên nhân điều chỉnh tăng được Bộ Y tế giải thích: giá vật tư, hóa chất tính theo thời giá hiện nay tăng rất cao so với năm 1995.
Ví dụ, giá găng tay từ 200 - 300 đồng lên 2.500 - 3.000 đồng/chiếc, có loại dùng cho chuyên khoa 6.000 - 7.000 đồng/chiếc; chỉ phẫu thuật trước đây chủ yếu dùng loại không tiêu, phải cắt, giá 1.000 - 2.000 đồng/sợi, nay dùng chỉ tự tiêu giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng/sợi.
Bộ Y tế cho rằng, tiền giường điều trị tại bệnh viện bao gồm chi phí về điện nước, vệ sinh môi trường, chăn, đệm, người nhà thăm nuôi, các chi phí liên quan đến chăm sóc và phục vụ người bệnh điều trị như khí y tế, bông băng..., không chỉ đơn thuần như giường nhà nghỉ, khách sạn.
Theo quy định tại Thông tư 14 năm 1995, bệnh viện hạng I chỉ được thu mỗi giường bệnh 4.000 đồng và tối đa 18.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II được thu từ 2.500 đồng đến 16.000 đồng/ngày... Trong khi đó, chỉ tính riêng tiền xử lý chất thải cho một giường bệnh hết khoảng 10.000 - 17.000 đồng/ngày, tiền điện, nước, vệ sinh cũng khoảng 10.000 đồng/ngày, nếu giường điều hòa chi phí còn cao hơn nhiều.
Bởi vậy, dự kiến điều chỉnh tiền giường bệnh từ 10.000 đồng đối với trạm y tế xã, tối đa là 100.000 đồng đối với ngày điều trị nội khoa thì mới có thể bù đắp được các chi phí trực tiếp như điện, nước, chăn, đệm, bông băng, cồn gạc, vệ sinh, xử lý chất thải...
Khung giá dự kiến tăng cao nhất với giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt, bỏng độ 3,4 trên 70% diện tích cơ thể là 150.000 đồng/ngày (tăng khoảng 8 lần so với giá cũ) do phải theo dõi, chăm sóc đặc biệt, sử dụng điều hòa 24/24 giờ, có chạy máy thở...
Tăng giá phải tăng chất lượng dịch vụ
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, thực chất giá BHYT thanh toán cho phần lớn các dịch vụ y tế hiện đã đều ở khung sát với chi phí thực.
Thậm chí, với nhiều kỹ thuật cao đã bị lạm dụng chỉ định. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh tăng đối với các dịch vụ có giá không phù hợp là cần thiết, nhưng cần phải đảm bảo tính chặt chẽ, hợp lý của các chi phí cấu thành giá, đồng thời phải đảm bảo tương xứng với chất lượng dịch vụ cung cấp cho người bệnh.
Việc tính giá viện phí phải rành rẽ, bóc tách các khoản mà nhà nước đã hỗ trợ từ ngân sách. Mặt khác, bên cạnh việc quan tâm đến tăng giá viện phí, bệnh viện cần kiểm soát chặt, đảm bảo các chỉ định điều trị phù hợp.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam), viện phí cần có khung giá phù hợp với tuyến điều trị và phải minh bạch các chi phí cấu thành chứ không thể tính phí theo kiểu "bốc thuốc".
Theo ông Sơn, cần điều chỉnh tăng với các khung giá cũ để bệnh viện thu hồi đủ cho chi phí, nhưng viện phí sẽ phải có các mức giá khác nhau phù hợp với bệnh tật, tuyến điều trị, năng lực cung cấp dịch vụ.
Cơ cấu giá thành về cơ bản bao gồm: tiền công cho nhân viên y tế, chi phí dịch vụ kỹ thuật, thuốc và giá thuốc. Riêng tiền công cho nhân viên y tế cần tính trên cơ sở năng suất lao động, khu vực làm việc và phải đảm bảo thu nhập đủ cho bản thân và nuôi thêm một người.
Theo khảo sát của BHXH, tại tuyến tỉnh, trung bình bác sĩ khám 200 bệnh nhân/ngày. Tại tuyến T.Ư, một bác sĩ khám 300 bệnh nhân/ngày. Còn phí dịch vụ kỹ thuật cần tính các khoản cho khấu hao thiết bị, công cho nhân viên y tế cung cấp dịch vụ... Những yếu tố cấu thành phải được thể hiện đầy đủ khi đưa ra giá dịch vụ.
Ông Sơn ước tính tác động của tăng viện phí là rất đáng kể. Một năm quỹ khám chữa bệnh BHYT thanh toán hết gần 20.000 tỉ. Trong đó trừ đi 60% chi phí cho tiền thuốc (12.000 tỉ), còn lại 8.000 tỉ sẽ chịu tác động của mức tăng viện phí. Nếu viện phí tăng trung bình 10%/năm thì một năm quỹ khám chữa bệnh BHYT sẽ phải chi thêm 800 tỉ đồng. Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ Y tế, 350 loại dịch vụ có tần suất sử dụng cao sẽ tăng, có tới 220 dịch vụ tăng từ 2,5 - 10 lần nên chắc chắn mức chi thêm sẽ là rất đáng kể.
Ông Sơn cũng lưu ý: "Có rất nhiều bệnh viện tư nhân (khu vực y tế tự đầu tư 100%, không có ngân sách nhà nước hỗ trợ) vẫn đang tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT và cũng chỉ được thanh toán với cùng mức giá như với bệnh viện công lập nhưng không thấy họ kêu lỗ. Thậm chí, số bệnh viện tư tham gia khám chữa bệnh BHYT liên tục tăng trong các năm qua".
Chất lượng dịch vụ y tế chưa được kiểm soát
Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho rằng: ”Chất lượng khám chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tuyến y tế cơ sở. Có rất ít chương trình kiểm soát đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Kết quả kiểm tra ở một số BV tháng 12.2009 cho thấy có tình trạng chỉ định xét nghiệm hàng loạt (về máu, nước tiểu, X-quang, siêu âm, điện tim) cho tất cả các bệnh nhân BHYT mà không phân biệt tình trạng bệnh lý.
Một nghiên cứu về chất lượng trên 416 phim X-quang chụp tại 6 bệnh viện của 3 tỉnh cho thấy kết quả đáng lo ngại về chất lượng phim cũng như kết quả đọc phim tại các BV này: có 7-48% phim chụp không đạt tiêu chuẩn chất lượng do sai về tư thế chụp và sai về kỹ thuật chụp; kết quả đọc phim không phù hợp với kết quả chẩn đoán từ 22% - 61%.
Hậu quả của việc này là dẫn đến kết luận sai với các tình huống: kết luận có bệnh khi thực tế không có hoặc ngược lại.”
Theo Liên Châu
Thanh Niên