Sẽ phục hồi sinh thái ở những vùng bị nhiễm dioxin

(TPO) Theo ông Furukawa Hisao, việc phục hồi sinh thái ở những vùng bị nhiễm dioxin ở Việt Nam sẽ giúp giảm bớt những tác hại do chất độc da cam/dioxin gây ra đối với con người.
Máy bay Mỹ rải chất độc hoá học ở Việt Nam

Ngày 3/11, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) đã có buổi làm việc với ông Furukawa Hisao - Nguyên Giáo sư Đại học Kyoto, Giám đốc Điều hành của Hệ thống Đoàn kết vì Hòa bình và Môi trường (Network for Peace and Environment) về việc giúp phục hồi sinh thái ở những vùng đất bị nhiễm dioxin.

Phát biểu tại cuộc làm việc, GS Furukawa Hisao cho biết chuyến đi của ông tới Việt Nam là nhằm đề xuất dự án “Nghiên cứu sử dụng hợp lý vùng đất bị nhiễm chất da cam/dioxin để cải thiện đời sống và phục hồi sinh thái" ở Việt Nam.

Theo ông, việc phục hồi sinh thái ở những vùng bị nhiễm dioxin ở Việt Nam sẽ giúp giảm bớt những tác hại do chất độc da cam/dioxin gây ra đối với con người. Để làm được điều này trước hết cần tìm những loại cây thích hợp để trồng trên vùng đất nhiễm chất độc da cam/dioxin để phục hồi môi trường sinh thái và giúp người dân phát triển kinh tế.

Ông Furukawa Hisao nhấn mạnh khối lượng hóa chất Mỹ sử dụng ở Việt Nam rất lớn: Tổng cộng 80 triệu lít, trong đó chứa đến 366 kg diôxin. Đây là một số lượng rất khủng khiếp. Các nhà khoa học đã chứng minh chỉ cần dùng 80 g dioxin trộn vào hệ thống cung cấp nước của một thành phố 8 triệu dân cũng đủ làm chết toàn bộ 8 triệu dân của thành phố đó.

Con số 366 kg dioxin đủ cho thấy số hóa chất được rải xuống Việt Nam nguy hiểm đến thế nào. Lượng chất độc da cam/dioxin này đã tàn phá nặng nề môi trường sinh thái của Việt Nam và để lại hậu quả lâu dài. Đối với con người, chất độc này phá hủy gien, gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh, phá hoại mầm mống sự sống của con người.

Ông Furukawa Hisao cũng cho biết sau chuyến khảo sát tình hình tại Việt Nam trong 10 ngày (28/10 - 10/11), ông sẽ công bố sự thật về sự tồn lưu và tập trung cao chất dioxin ở môi trường Việt Nam để đông đảo công luận thế giới biết thêm hậu quả nghiêm trọng của nó và từ đó cấm phổ biến, sử dụng loại chất độc nguy hiểm này trên toàn thế giới.

Ông Hisao cũng cam kết sẽ kêu gọi các nhà khoa học ở Nhật Bản cùng các nhà khoa học Việt Nam tham gia dự án này và vận động nguồn tài trợ từ nhân dân Nhật Bản và quốc tế.